thành con chó béo nùng nục mà chẳng được tích sự gì. Nhưng, cũng may
mà tớ là một kẻ có tư chất đứng đắn, tớ vẫn muốn làm hết phận sự của
mình đối với chủ vì chính ông ta là người cho tớ chỗ ngủ, cho tớ miếng
bánh ăn hàng ngày. Tớ muốn làm điều đó như tất cả những con chó ngoan
nết, những con chó được mệnh danh là những kẻ biết hàm ơn và cả những
con chó ăn cơm chủ phải phục vụ chủ.
XIPIONG: Đúng thế đấy, Becganxa ạ. Tớ muốn đằng ấy cũng học triết học
đi, vì từ môn khoa học này ta biết được những lẽ phải nằm ngay trong sự
thật khách quan và cả trong sự hiểu biết chính xác. Đằng ấy cứ tiếp tục câu
chuyện của mình đi.
BECGANXA: Trước tiên tớ muốn đằng ấy hãy giải thích cho tớ biết triết
học là gì, nếu đằng ấy hiểu. mặc dù tớ gọi ra cái danh từ này nhưng thật ra
tớ không hiểu và tớ chỉ lờ mờ cảm thấy đó là một cái gì rất quý giá.
XIPIONG: Được rồi. Tớ xin giải thích thật ngắn gọn nhé. Danh từ này
được ghép bởi hai từ Hy lạp, filoa có nghĩa là tình yêu và sofia có nghĩa là
khoa học. Vậy thì filosofia có nghĩa là tình yêu khoa học và filosofo có
nghĩa là người yêu khoa học.
BECGANXA: Ôi, Xipiong, đằng ấy thông thái quá. Quỷ sứ nào dạy đằng
ấy những điều lý thú ấy?
XIPIONG: Becganxa ạ, quả thật đằng ấy ngây thơ quá đấy. Chuyện giản
đơn này bọn học trò cũng biết và hơn nữa còn có những kẻ làm ra vẻ ta đây
biết tiếng Hy Lạp mà thật ra không biết gì, cũng như những kẻ làm ra vẻ ta
đây biết tiếng la tinhmà thật ra chẳng biết gì, bọn họ cũng biết ý nghĩa của
từ triết học.
BECGANXA: Đó chính là điều tớ nói và tớ muốn tất cả bọn người ấy đều
phải bị đưa lên cối ép, ép cho thật mạnh để vắt ra điều chúng biết. Nếu
không làm như vậy e rằng chúng vẫn dùng bộ quần áo lộng lẫy, tức là cái
thứ tiếng Hy Lạp và la tinh giả vờ ấy, để lòe bịp thiên hạ, như những người
Bồ Đào Nha vẫn đang lòe bịp những người da đen ở Ghine.
XIPIONG: Becganxa ạ, bây giờ thì đằng ấy có thể phải uốn lưỡi nhiều lần
và tớ cũng có thể đả kích. Bởi vì cho đến lúc này tất cả những điều chúng ta
trao đổi với nhau đều là những lời đả kích.