kịch vỡ mộng” của một “bữa tiệc dang dở, một đám cưới không thành, một
cuốn sách hay để lầm chỗ” đó một cách rất tâm huyết, với tất cả suy nghĩ và
trăn trở, niềm khát vọng và nỗi đau của một nhà văn trước thời cuộc, trước
tình trạng xuống cấp về trình độ tư duy và phẩm chất đạo đức ngay trong
một số người tự cho mình là cán bộ lãnh đạo, là trí thức hoặc kỹ sư của tâm
hồn. Ma Văn Kháng đã nói lên được cái tâm sự có thật của những trí thức
có tâm huyết, có hoài bão. Cách lý giải có thể còn phải bàn cãi, nhưng điều
đáng trân trọng là tấm lòng trung thực và trong sáng của người cầm bút, là
những trang viết chân thành và xúc động.
Cuốn tiểu thuyết cũng bộc lộ khá rõ một số nhược điểm. Trước đây ta
hay lý tưởng hóa một chiều các nhân vật đảng viên hoặc cán bộ lãnh đạo,
gần đây lại có khuynh hướng biến họ thành những con rối, thành con người
máy hoặc con người của dục vọng tầm thường (Những thiên đường mù, Ly
thân, Những mảnh đời đen trắng). Tác phẩm của Ma Văn Kháng không rơi
vào hai thái độ cực đoan đó. Tuy nhiên, cách nhìn những “nhân vật tiêu
cực” trong hàng ngũ lãnh đạo ở đây có lúc còn đơn giản và phiến diện, đôi
khi biến họ thành nhân vật của hài kịch, thành những tính cách bị phóng đại
trong nghệ thuật biếm họa. Tính khái quát của loại nhân vật này chưa cao.
Trong số này ngoài đời tôi thấy có những người xấu nhưng biết ngụy trang
một cách thâm hiểm hơn hoặc có người tốt, chân thành, ngay cả trong sự ấu
trĩ, máy móc của họ.
Tác phẩm có nhiều trang sinh động, hấp dẫn trong đối thoại, tranh luận
hoặc dựng người, dựng cảnh nhưng cũng có nhiều trang chìm sâu một cách
nặng nề vào những suy tư, vào những lời biện giải mang màu sắc duy lý của
tiểu thuyết luận đề.
Xuân Thiều:
Nghe đồn cuốn sách “có vấn đề” tôi liền đọc ngay, hai đêm thì đọc xong.
Và bây giờ, tôi sẵn sàng tranh luận với những ý kiến cho rằng cuốn sách