Bởi vậy theo tôi, không nên gọi là bộ môn “phê bình văn học”, mà nên
gọi là bộ môn “cảm thụ văn học”. Tri thức của các nhà văn, các bậc uyên
bác được cần đến trước tiên là để giúp mọi người cảm thụ cái đẹp. Vitamin
quý là ở trong hoa quả chứ các viên thuốc Vitamin vừa chua vừa đắng thì
đáng ngán biết bao!...
Mấy lời cảm tưởng ghi vội, có gì nông cạn, sơ suất mong Tòa soạn Báo
và bạn đọc lượng thứ.
Văn nghệ 17/3/1990
Đám cưới không có giấy giá thú
MỘT CÁCH NHÌN NHẬN VỀ NGƯỜI THẦY
ĐÀO THANH TÙNG
Đời là vại dưa muối hỏng. Luận đề ấy cứ day dứt mãi khi tôi đọc tác
phẩm mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng: tiểu thuyết Đám cưới không có
giấy giá thú.
Thật khủng khiếp khi thấy một hội đồng nhà trường, một giới trí thức
thu nhỏ, một xã hội thu nhỏ mà đầy rẫy những bi kịch cá nhân, những cá
tính trái ngược nhau tạo nên một bứ tranh ám ảnh ma quái. Ông Dương, bí
thư chi bộ nhà trường, một kẻ giáo điều, luôn luôn nhắc đi nhắc lại lí luận
cũ rích. Ông Cẩm, hiệu trưởng, một kẻ xuất thân từ mõ, thèm khát địa vị.
Đó là những kẻ “bất tri” nhưng lầm tưởng là “tri” và tự giao cho mình cái
quyền dạy cách làm người cho giáo viên và học sinh. Ấy thế mới sinh ra
những nghịch lý. Cái xấu ngồi trên cái tốt, cái vô văn hóa dẫm đạp lên cái
có văn hóa, cái ngu dốt ngự trị tài năng. Sự đảo ngược của các giá trị cơ bản
đã làm cho những người có tâm huyết trở nên bị dằn vặt và chính nó đã tạo
nên những ẩn ức không thể lường tới trong thế giới tâm linh của con người.
Cái ác, cái trơ tráo đang từng ngày, từng giờ tấn công vào mỗi số phận
người thầy. Tín hiệu thứ nhất của tác phẩm “con thuyền chở đạo” gặp sóng