mình. Cái tôi cô đơn và vị kỷ có trong những ai? Cái tôi bản năng của loài
thú hiện có trong những ai? Ngày hôm qua ta sống như thế nào và ngày
hôm nay ta sống ra sao? Các vấn đề ấy xoay đi xoay lại trong không gian
chật hẹp của văn phòng hội đồng nhà trường hoặc trong không gian huyền
thoại của những cuốn sách cổ xưa chứa đựng những tư tưởng của nhiều
người, nhiều thời. Tất cả chỉ để làm bật ra một câu trả lời muôn thuở về sự
tồn tại: ta đang sống hay ta đã chết. Tính thời sự và tính vĩnh cửu của các
luân lí trong tác phẩm đều nhằm hướng tới mục đích nói trên. Người ta có
thể dùng nhiều chữ nghĩa, nhiều nhân vật trong tác phẩm để lí giải tới tận
căn nguyên nhiều hiện tượng, nhiều con người trong xã hội, qua đó có thể
hiểu được thế giới tâm linh đầy bí ẩn, đầy mâu thuẫn của con người, có thể
hiểu được nguồn gốc của các loại trạng thái tinh thần, của sự ngu dốt, của
sự giáo điều...v.v. Như thế Đám cưới không có giấy giá thú đã vượt qua
được cái ngưỡng triết lí trống rỗng, triết lí vụn vặt để đạt tới tính phổ biến
mang màu xã hội và nhân văn mà không phải tác phẩm nào cũng có đủ sức
để vượt qua và vươn tới.
Đám cưới không có giấy giá thú thuộc loại tiểu thuyết triết lí, nên các
nhà tư tưởng cùng với các luận lí của họ xuất hiện với mật độ dầy đặc. Mác,
Lênin, Khổng Tử, Lão Tử, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Freud... được viện
dẫn. Tử vi tướng số cũng xuất hiện. Rất tiếc, hình như tác giả muốn kế thừa
tất cả mà không muốn phủ định một cái gì, mặc dù trong tác phẩm tác giả
đã nhắc tới qui luật kế thừa phủ định. Để chuyển tải được khối lượng tư
tưởng lớn đó, các nhân vật hầu như không phải làm gì ngoài tranh cãi với
nhau. Các cuộc cãi vã khi thì có văn hóa, khi thì vô văn hóa, hễ có 2,3
người y rằng là cãi cọ. Họ ưa nói sách, ưa triết lí (âu cũng là nhược điểm
của anh trí thức). Công thức: 1 anh trí thức + 1 anh trí thức + rượu chè,
thuốc lá = chợ = triết lí, hóa ra lại đúng trong khá nhiều trường hợp. Các
loại lí luận lúc thì đơn giản cụ thể, lúc thì phức tạp bí hiểm với những từ
ngữ Hán Việt (có cả nguyên từ ngữ) hoặc từ ngữ vay mượn để nguyên thể
hay đã Việt hóa - tạo nên sự gián cách khá lớn với người đọc. Theo gót
chân Freud, tác giả chủ yếu khai thác khía cạnh tâm sinh lí để mổ xẻ một