vào mà tìm cách “trị” bằng được quyển sách nọ. Khúc dạo đầu êm ái
thường kết thúc bằng những phút cao trào quyết liệt. Trong tư thế què lê
kéo rệt, tác giả chỉ còn có cách cạch đến già, đôi khi bán xới đi làm nghề
khác. Bởi như cách hiểu trong dư luận trước đây, đả kích lãnh đạo là cái tội
mà người ta nghĩ rằng giá có mang tùng xẻo thì cũng đáng. Sau “vụ án” ồn
ào đó, giới văn nghệ được một phen hú vía. Tổng biên tập các nhà xuất bản
sẽ đắn đo thật lâu trước khi ký vào các bản thảo đưa in; còn các nhà văn thì
căng thần kinh ra mà tự duyệt, cốt không ai có thể hiểu lầm, suy diễn trên
cuốn sách của mình. Trong nghề này, chưa có chế độ bảo hiểm. Ai kia có
quyền sai, chứ nhà văn, không được!
Sự tự đổi khác của dư luận bộc lộ khá rõ qua những ồn ào chung quanh
cuốn Đám cưới không có giấy giá thú mà chúng ta đang nói.
Ngay trong số báo có đăng lá thư bạn đọc nói trên, báo Lao Động còn
đăng một bài đọc và nghĩ về Đám cưới không có giấy giá thú. Bài viết chưa
đạt tới sự rõ ràng trong ý kiến, song đã có một lý do khiến cho sự lúng túng
ở đây không trở nên đáng ghét: Ngòi bút viết nên bài báo ấy muốn dè dặt.
Người viết không tính tới chuyện đưa ra kết luận cuối cùng, vì còn cảm
thấy chưa hiểu hết còn muốn nghĩ thêm về những điều nhà văn đã viết trong
quyển sách.
Đó cũng là tinh thần chính toát ra qua các bài viết về Đám cưới không
có giấy giá thú in ở một số báo khác. Cuộc thảo luận bàn tròn trên Văn nghệ
có xu thế khẳng định những tìm tòi của Ma Văn Kháng là đáng khuyến
khích. Mấy bài liên tiếp trên Người giáo viên nhân dân thiên về nêu những
điểm người đọc cảm thấy phân vân và còn muốn trao đổi thêm với tác giả,
nhưng thái độ cũng đúng mực, phải chăng.
Ở đây, lại phải mở một dấu ngoặc: xưa (mấy năm trước), một quyển
sách viết về giới nào mà người trong giới ấy “có ý kiến” là đã lôi thôi rồi,
người trong giới phản đối nữa thì ôi thôi, cứ gọi là đi đời nhà ma, sách đắp
chiếu sớm! Suốt một thời gian dài, ai cũng nghĩ rằng đã là nông dân là hiểu