Thật thế, Tự là khuôn mẫu của nhà giáo ở thời kỳ bao cấp về kinh tế,
bao cấp về tư tưởng, bao cấp về nhìn nhận đánh giá con người. Loại trừ
những tài năng đi thẳng đến vũ đài nhưng cũng phải có những con mắt
xanh, những bà đỡ mát tay và đầy sức mạnh đặt vào đúng chỗ. Số ấy là rất
ít. Còn lại là hằng hà sa số nhưng con người, những mảnh đời, những “thiên
tài tỉnh lẻ” phải chịu những quằn quại đớn đau như Tự trong xã hội chúng
ta, chứ đâu riêng ngành giáo dục. Cái lớn lao của Ma Văn Kháng trong tiểu
thuyết này là như vậy. Sức khái quát cao, độ điển hình lớn, khiến ai chỉ đọc
một lần, cũng thấy như tác giả, đang nói về mình, đang cãi hộ cho mình,
cho những thua thiệt của mình, mà người đời nhất là các vị “cầm quyền cai
trị” luôn tỏ ra rất vô tình và tàn bạo; hay cũng biết đấy mà lại không đủ
mạnh, để cản phá những ý tưởng đen tối và cơ hội muốn trùm lấp, đè bẹp
những tài năng như Đặng Trần Tự.
Khắc họ chân dung của một nhà giáo ở thời đại chúng ta (ít nhất mấy
thập kỷ chúng ta xây dựng nền giáo dục XHCN ), anh Kháng đã không
chọn những mẫu người, mà từ trước đến sau, luôn luôn gặp may mắn, để
xây dựng nhân vật của mình, mà anh đã chọn đúng một số phận, một cuộc
đời, chỉ nhìn vào đó đủ thấy ông giáo của chúng ta, nền giáo dục của chúng
ta, nhà trường XHCN của chúng ta, mấy chục năm qua là thế nào. Bởi vì
soi vào Tự, thấy trong làng giáo của chúng ta, nhiều số phận i xì như Tự,
mà phải như Tự thì mới là nhà giáo chân chính. Còn Thuật đã trượt sang
lĩnh vực, sang địa hạt khác của nghề nghiệp mất rồi. Loại như Thuật ở
trường nào không có. Loại giáo viên như Thuật nên chuyển sang làm việc
khác, như chính anh đã nói:
“Thầy ra thầy. Khẩu hiệu hay tuyệt. Nếu vậy, ở đây, anh Tự ở lại trường.
Còn thì: tôi cút, ông cút, ông Dương cút, bà Thảnh cút!”.
Và đây nữa:
“Ví dụ, thầy Tự đây được 10 điểm. Tôi chỉ đáng 5, bà Thảnh 2. Còn
ông, ông Cẩm? Điểm 1 hay là dêrô?!”.