khích trắng trợn. Nổi lên gân guốc và hung tợn là tiếng cuốc chim bổ xuống
nền đất cứng của tốp thợ đào móng sát đầu hồi buồng nhà Tự.
Kha ngó xuống dưới nhà, đánh tia mắt ra cửa, rồi quay trở lại mặt Tự.
Hai con mắt Kha nghịch ngợm như mắt trẻ thơ, lơ lẻo như mắt người già vô
tư.
- Lại “chiến tranh” hả?
Tự giấu một hơi thở nặng. Kha nhún vai.
- Khắp trái đất, đâu cũng như đâu. Không một góc trời nào yên ổn cả.
Stress liên tục, Tự ạ. Có điều là... nhưng mà thôi. Tự ạ. Một buổi khác ta sẽ
quay trở lại với số phận, tâm sự kẻ sĩ và Nguyễn Tiên Điền. Bây giờ, lợi
dụng lúc đối phương bỏ trận địa, hưu chiến, tớ rút lui nhé. Bai! Bai! Bai!
nhé!
Tự ngồi thừ một bóng câm lặng nghe tiếng chân Kha rờ rẫm, dò từng
bậc thang gỗ đi xuống. Nghe cái líp ở chiếc xe của Kha kêu tanh tanh giòn
giã tan biến trong mớ tạp âm láo nháo ở ngoài sân. Kha rút lui êm thấm.
Kha không gây chú ý cho một ai. Còn lại một mình Tự với bài thơ Độc Tiểu
Thanh ký man mác màu bi tráng của đại thi hào vừa khúc xạ qua anh đã tắt
nghỉm. Còn lại mình Tự trên cái gác xép chật chội, chất đầy sách vở, tư liệu
nơi ăn ở, làm việc của Tự những ngày qua.
o O o
Căn gác xép hình vuông, mỗi chiều dài ba mét. Mặt sàn lát gỗ lim, thứ
gỗ có đặc điểm càng có tuổi đời cao càng biến hóa. Nay nó là sừng, óng
chuốt.
Một hàng lan can con tiện ngăn ở đầu này, đóng khung căn gác xép,
cùng với cái trần thấp chừng một mét rưỡi, tạo nên một không gian ba chiều