Một vài bài viết đóng góp vào tuyển tập của Lipset-Lowenthal dám nói
chắc rằng luân lý về bình quân chủ nghĩa và sự thành đạt là đặc điểm của
người Mỹ từ thuở khai sinh nền cộng hòa và rằng tính cách Mỹ về cơ bản
không thay đổi.
Theo ý tôi, ta nhấn mạnh ở tính kế tục hay ở tính gián
đoạn là tùy thuộc vào cái ta quan tâm, cũng như tùy vào đánh giá của ta về
các bằng chứng đối chọi nhau. Dĩ nhiên, tính kế tục còn rất nhiều, nhưng tôi
nghĩ rằng người Mỹ giàu có thuộc giai cấp trung lưu lớp trên được mô tả
trong Đám đông cô đơn và Những bộ mặt trong đám đông khác với cha ông
họ trên phương diện tính chất các mối tương quan của anh ta với người
khác. Không phải người Mỹ ngày nay tuân thủ hơn - điều đó luôn bị hiểu
sai trầm trọng; cũng không phải người Mỹ hiện đại kỳ quặc khi muốn gây
ấn tượng với người khác hoặc muốn được người khác yêu thích; con người
ta xưa nay nói chung vẫn vậy. Sự khác biệt nằm ở mức độ cộng hưởng lớn
hơn với người khác, ý thức nhiều hơn về các mối tương quan với mọi
người, và mở rộng phạm vi những người mà họ cảm thấy muốn được tiếp
xúc. Khi tính chính đáng của những đại diện cho uy quyền người lớn và thế
hệ ông cha sút giảm, lớp trẻ và hàng triệu người tìm cách để trở nên dễ bị
ảnh hưởng bởi quyền lực của người cùng thời hơn, cả qua giao tiếp cá nhân
lẫn qua truyền thông đại chúng. Trọng tâm chú ý đó thường dẫn đến sự
phản kháng và bất phục tùng, nhưng vấn đề đang tranh luận chủ yếu lại là
mức độ cộng hưởng, chứ không chú trọng nhiều đến tính tuân thủ.
Từ năm 1950, sự sút giảm ảnh hưởng và quyền uy của người lớn được
ghi lại trong Đám đông cô đơn còn đi xa hơn nữa. Ngày nay vào học các
trường trung học và cao đẳng là con cái của những ông bố bà mẹ mang tâm
trạng hoài nghi bản thân, những người cảm thấy hình ảnh mình bị phô bày
trong các cuốn sách như Đám đông cô đơn. Sự mất tự tin từ bên trong ở
người lớn là một hiện tượng toàn thế giới, cho thấy sự thay đổi nhanh chóng
về công nghệ và các giá trị. Margaret Mead đã đề cập đến những bậc cha
mẹ người Mỹ chính gốc nhưng cảm thấy mình như dân nhập cư vào đất
nước của lớp trẻ. Thanh niên phản ứng lại tình trạng mất chủ quyền của
nhóm người lớn với tâm trạng còn hồ nghi bản thân hơn, hoang mang hơn