chiếm cứ, mỗi loại xã hội có một cách bắt buộc tuân thủ và nhào nặn tính
cách xã hội khác nhau rõ rệt.
Xã hội với tiềm năng tăng cao dân số phát triển ở các thành viên tiêu
biểu của mình một tính cách xã hội mà tính tuân thủ được bảo đảm bằng
khuynh hướng tuân theo truyền thống: tôi sẽ gọi đây là những người kiểu
truyền thống định hướng và xã hội mà họ sống là xã hội phụ thuộc vào kiểu
truyền thống định hướng.
Xã hội ở giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp phát triển ở các thành viên
tiêu biểu của mình một tính cách xã hội mà tính tuân thủ được bảo đảm
bằng khuynh hướng thu nhận từ thời thơ ấu một tập hợp các mục tiêu đã
được nội tại hóa [internalized]. Tôi sẽ gọi đây là những người kiểu nội tại
định hướng và xã hội họ sống là xã hội phụ thuộc vào kiểu nội tại định
hướng.
Cuối cùng, xã hội ở giai đoạn chớm giảm dân số phát triển ở các thành
viên tiêu biểu của mình một tính cách xã hội mà tính tuân thủ được bảo đảm
bằng khuynh hướng trở nên nhạy cảm với các kỳ vọng và sự ưa thích của
người khác. Tôi sẽ gọi đây là những người kiểu ngoại tại định hướng và xã
hội họ sống là xã hội phụ thuộc vào kiểu ngoại tại định hướng.
Tuy nhiên, cho phép tôi chỉ ra, trước khi đi vào mô tả ba “kiểu lý tưởng”
của tính cách và xã hội này, rằng ở đây tôi không quan tâm đến việc tiến
hành một phân tích tường tận, điều vốn sẽ là cần thiết trước khi người ta có
thể chứng minh rằng có tồn tại một mối liên hệ giữa giai đoạn dân số và
kiểu tính cách. Đúng hơn, thuyết đường đồ thị dân số đem lại cho tôi một
kiểu ký hiệu vắn tắt để qua đó nhắc đến vô vàn yếu tố thuộc định chế vốn
cũng được trình bày - tuy thường sôi nổi hơn - bằng những từ như “chế độ
công nghiệp”, “xã hội dân gian”, “chủ nghĩa tư bản độc quyền”, “đô thị
hóa”, “hợp lý hóa”, vân vân. Do đó mà ở đây, khi tôi nói đến tăng dân số
chuyển tiếp hay chớm giảm dân số cùng kết hợp với những dịch chuyển
trong tính cách và tính tuân thủ, thì bạn đọc không nên xem các cụm từ này
như những giải thích tài phép và toàn diện.