đi - cái bẫy khổng lồ mà tự nhiên đã đặt sẵn cho con người, theo Malthus
quan niệm, và con người chỉ có thể yên ổn thoát được nó bằng cách chăm lo
cày cấy, trì hoãn hôn nhân để thận trọng không sinh con đẻ cái. Nếu không
ngăn sinh con bằng biện pháp trì hoãn hôn nhân hay các biện pháp ngừa
thai khác thì sẽ phải hạn chế dân số bằng cách tước đi mạng sống con
người. Thế nên các xã hội đã “phát minh ra” tục ăn thịt người, nghĩ ra
chuyện phá thai, tổ chức chiến tranh, tế người, và giữ tục giết trẻ sơ sinh
(nhất là bé gái) như các biện pháp để tránh đói kém và bệnh dịch cứ đều
đặn xảy ra.
Dù việc giải quyết các thôi thúc đối chọi nhau là thiếu ăn và tình dục
luôn đi kèm với biến động và đau đớn, song các xã hội trong giai đoạn tiềm
năng tăng cao dân số thường ổn định ít ra là về khía cạnh các tập quán xã
hội của họ, bao gồm cả những “tội ác” để giảm dân số, đã được định chế
hóa và trở thành khuôn mẫu. Hết thế hệ này sang thế hệ khác, con người
sinh ra, bị tiêu diệt, chết đi nhường chỗ cho người khác. Tỷ lệ tăng tự nhiên
thuần dao động trong một biên độ rộng, tuy không thể hiện xu hướng dài
hạn nào, điều này cũng đúng với trường hợp các xã hội trong giai đoạn
chớm giảm dân số. Nhưng không như các xã hội ở giai đoạn này, trong các
xã hội với tiềm năng tăng cao dân số, tuổi thọ trung bình có đặc điểm là
thấp: dân số nghiêng mạnh về phía lớp trẻ, thế hệ này thế chỗ thế hệ kia
nhanh hơn và kém “hiệu quả” hơn so với các xã hội chớm giảm dân số.
Khi xem xét một xã hội như vậy, chúng ta tất không tránh khỏi sẽ phải
liên hệ tính ổn định tương đối của tỷ lệ người-trên-đất-đai, dù cao hay thấp,
với tính bền chặt của phong tục và cấu trúc xã hội. Tuy nhiên, chúng ta
không nên đánh đồng tính ổn định của cấu trúc xã hội qua thời gian lịch sử
với tính ổn định tinh thần trong quãng đời của một cá nhân: cái sau về mặt
chủ quan có thể kinh qua nhiều bạo lực và hỗn loạn. Tuy nhiên, xét kỳ
cùng, anh ta sẽ học được cách ứng phó với đời sống bằng thích nghi, chứ
không phải bằng đổi mới. Không kể một số ngoại lệ thì tính tuân thủ phần
lớn là định sẵn trong hoàn cảnh xã hội “hiển nhiên”. Dĩ nhiên trong đời
người không bao giờ có gì thật sự là hiển nhiên; lúc có vẻ hiển nhiên thì đó