người thất nghiệp hiện đại là thứ “đồ thừa”, anh ta cũng không phải là đồ bị
loại ra như người không có kỹ năng có thể bị loại ra trong xã hội hiện đại.
Nhưng chính vì cái “vị trí thành viên” của anh ta mà các mục đích trong
đời, vốn là của anh ta xét về mặt lựa chọn hữu thức, có vẻ như định hình số
phận anh ta chỉ đến một chừng mực rất hạn hẹp, cũng như bất cứ khái niệm
nào về tiến bộ đối với nhóm đó có chăng cũng trong chừng mực rất hạn hẹp
mà thôi.
Trong các xã hội nơi kiểu truyền thống định hướng là cách thức chủ đạo
để bảo đảm sự tuân thủ, tính ổn định tương đối được duy trì một phần nhờ
quá trình ít khi xảy ra nhưng vô cùng quan trọng là làm cho những kẻ lầm
lạc, nếu có, khớp vào các vai trò đã thành định chế. Trong các xã hội như
vậy, một người mà nếu ở vào giai đoạn lịch sử về sau có thể trở thành nhà
cách tân hay kẻ nổi loạn, thì giai đoạn này vị trí thành viên của anh ta về
thực chất là ở bên rìa và đáng ngờ, nhưng anh ta sẽ được kéo vào những vai
trò như pháp sư hay thầy phù thủy. Tức là, anh ta bị kéo vào những vai trò
có đóng góp được xã hội công nhận, đồng thời những vai trò đó cũng đem
lại cho cá nhân này một chỗ đứng ít nhiều được chấp nhận. Các dòng tu kín
thời Trung đại có thể đã đóng một vai trò theo cách tương tự để thu hút
nhiều “đột biến” tính cách.
Trong một số xã hội như vậy, những cá nhân nhất định được khuyến
khích đạt tới một mức độ tính cá thể từ thời thơ ấu, nhất là nếu họ thuộc gia
đình quyền thế. Nhưng vì phạm vi chọn lựa hết sức hạn hẹp, ngay cả đối
với người có địa vị cao, nên nhu cầu rõ ràng của xã hội về một kiểu tính
cách cá thể hóa cũng cực thấp. Có lẽ sẽ chính xác khi nói rằng cấu trúc tính
cách trong các xã hội này “được thích nghi” ở mức độ rất lớn, theo nghĩa là
ở hầu hết mọi người cấu trúc tính cách có vẻ như hòa hợp với các định chế
xã hội. Ngay cả mấy kẻ hiếm hoi không khớp thì cũng “khớp” trong một
chừng mực nào đó; và họa hoằn lắm người ta mới bị hất khỏi hệ thống xã
hội.