“Em cũng nghĩ vậy. Đó không phải là điều bình thường đối với một
người gốc Ấn, nhưng vẫn có những trường hợp như thế.”
“Em nói cô ấy và bạn cùng phòng là bạn của nhau?”
“Là bạn từ thời thơ ấu. Họ ở chung phòng trọ với nhau suốt bốn năm
qua.”
Tracy ngả người ra sau, để yên cho Pryor kể lại những điều cô ấy biết.
Cánh cửa trước của căn hộ từ từ mở ra. Đang ngồi tựa người trên chiếc
ghế xô-pha trong phòng khách, Kaavita Mukherjee liền đóng sập cuốn tiểu
thuyết mà cô ấy đang đọc, ném nó cái vèo lên trời và reo lên: “Aditi!”
Cô ấy nhảy nhổm khỏi cái ghế xô-pha và chạy ào ra cửa, chẳng thèm
đếm xỉa đến đống hành lý của Aditi mà ôm chầm lấy người bạn thân nhất
của mình. Aditi đã về Ấn Độ để dự đám cưới của người anh họ hồi đầu
mùa hè, rồi ở lại vài tháng để du lịch. Từ nhỏ đến giờ, cô ấy và Kavita
hiếm khi xa nhau lâu như vậy.
“Thật là tuyệt khi cậu trở về.” Kavita nói. “Có thực là mười hai tuần
không nhỉ? Mình có cảm giác cậu đi lâu lắm rồi ấy. Và nhìn cậu kìa!” Cô
ấy chạm vào lớp lụa của chiếc
màu xanh lá cây và vàng của Aditi.
“Trông cậu khác quá. Cậu mua chiếc sari này ở đó à? Để mình đoán nhé!.
Mẹ cậu đã mua nó cho cậu chứ gì.” Kavita cười và đảo tròn mắt. “Mẹ cậu
chưa bao giờ chịu bỏ cuộc, đúng không?”
“Đúng.” Aditi nói, mỉm cười. “Mẹ mình chưa bao giờ chịu bỏ cuộc.”
Họ đều hai mươi tư tuổi, Kavita lớn hơn Aditi vài tháng, vậy mà mẹ họ
đã suốt ngày lải nhải về chuyện họ phải “ổn định”, có nghĩa là “lấy
chồng”. Các bà mẹ quên mất rằng cả hai cô gái đều chưa có một người
bạn trai nghiêm túc. Thực ra điểm này là lợi thế của họ. Điều đó khiến
Kavita và Aditi trở nên hấp dẫn hơn đối với các chàng rể tương lai mà các
bà mẹ đã bắt đầu nhắm sẵn từ trước cả khi hai cô gái học xong đại học.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Aditi hoặc Kavita nghe theo ý muốn
của mẹ họ.