Nhiếp Chính thề báo thù cho cha. Chàng ẩn cư trong núi suốt bảy
năm, học đàn cổ cầm và thuật ám sát dưới sự chỉ dạy của một đạo sĩ
bất tử. Chàng làm da mình đen sạm đi và đổi giọng nói bằng cách
nhai một loại lá độc. Khi chàng trở về kinh đô nhà Hàn, chàng đi
ngang qua nhà cũ của mình. Vợ chàng khi đó đi ra cửa, vừa thấy
chàng thì bắt đầu khóc lóc. Chàng hỏi: “Người phụ nữ kia, tại sao
ngươi lại khóc?” Nàng trả lời: “Nụ cười của đại nhân làm tôi nhớ lại
người chồng đã biến mất bảy năm về trước của mình.” Chàng hỏi:
“Nụ cười của ta há chẳng phải hấp dẫn đến mức làm mọi phụ nữ
nhớ đến chồng hay sao?” Chàng đi mất rồi cắn răng để phá hủy
nụ cười có thể làm hỏng việc của mình. Ăn vận như một nhạc phu ăn
mày, chàng chơi đàn cổ cầm trước cửa Tử Cấm Thành. Âm nhạc
quyến rũ của chàng thu hút đám đông những người qua đường,
trong số đó có những kẻ hầu cận trong triều. Thích thú với tài
năng của chàng, vua cho gọi chàng vào cung và ra lệnh cho chàng
chơi nhạc giữa một tòa yến khách. Khúc Quảng Lăng tán đã hút
hồn tất cả những ai có mặt. Tranh thủ sự lơi lỏng của đám lính bảo
vệ, Nhiếp Chính rút dao nhét sẵn trong cây đàn ra, lao đến chỗ đức
vua rồi đâm y một cú chết ngay tức khắc. Nhiếp Chính rạch nát
khuôn mặt mình trước khi tự sát để không ai biết chàng là ai, hòng
giúp gia đình chàng không bị liên lụy. Xác chàng bị phơi giữa chợ.
Một cụ già nhìn thấy ôm ghì lấy rồi khóc sướt mướt. Khi những kẻ
qua đường ngạc nhiên vì bà lão dám khóc than thân xác kẻ đã giết
vua, bà lão đứng dậy và trả lời: “Con trai ta là Nhiếp Chính! Tên của
một người anh hùng phải được ca ngợi mãi nghìn năm sau. Làm sao
ta có thể giấu tên tuổi của con ta vì sợ chết được cơ chứ?”.”
Gảy đoạn giữa dây đàn bằng tay trái, Bà Mẹ Trẻ chạy dây cả năm
ngón bên tay phải. Sấm chớp nổi lên và những tia sét nổ trên mặt
đất. Gió đánh ra những ngọn sóng đập vào nhau rồi vỡ vụn. Giữ
ngón cái bên phải cong xuống, Bà Mẹ Trẻ quét qua bảy dây đàn từ
trong ra ngoài làm chúng gầm lên như biển cả trong cơn giận dữ.