Mạc Ngôn
Đàn Hương Hình
II. Bụng Heo
II-Chương 3
BI CA
Ngày mồng hai tháng Ba năm 1900 tức mồng hai tháng Hai năm Canh Tý,
Quang Tự năm thứ hai mươi sáu, tương truyền chấp long ngóc đầu dậy vào
ngày này. Qua ngày mồng hai tháng Hai, xuân dương phát động, địa khí bắt
đầu dâng lên, chỉ còn đợi ngày là đánh trâu ra đồng làm lễ hạ điền. Hôm ấy
là phiên chợ trấn Mã Tang của làng Đông Bắc Cao Mật. Nông dân ru rú
trong nhà cả mùa đông, cần hay không cần đều đi chợ, không tiền thì đi bát
phố ngắm thiên hạ, xem hát quịt; có tiền thì ăn bánh nướng, ngồi quán trà,
uống rượu hâm. Hôm ấy nắng đẹp tuy vẫn còn đôi chút gió lạnh, nhưng rõ
ràng đã là tiết xuân, rét ít ấm nhiều, những cô gái thích làm dáng, trút bỏ áo
lông dày cộp, thay bằng áo chẽn gọn gàng, nổi bật đường cong của cơ thể.
Sáng sớm, Tôn Bính – chủ quán trà Tôn Ký, quảy đôi thùng gỗ leo lên mặt
đê, lần xuống mép sông Mã Tang, bước lên cái bến ghép bằng gỗ, múc đầy
hai thùng bước trong, chuẩn bị cho một ngày làm hàng. Ông thấy băng vụn
đầu hôm đã tan hết chỉ trong một đêm,dòng sông xanh biếc sóng lăn tăn,
hơi nước mát lạnh từ từ dâng lên.
Năm ngoái mùa màng không thuận lắm, xuân hạn, thu lụt, nhưng không có
mưa đá, thu hoạch chỉ sáu bảy phần mười. Quan huyện Tiền thương dân,
báo lên là bị lụt, miễn cho vùng Đông Bắc Cao Mật một nửa thuế, vậy là
dân Đông Bắc Cao Mật dư dả hơn cả nửa năm được mùa. Dân làng cảm ơn
quan lớn Tiền, góp tiền làm một cái lọng, đề cử Tôn Bính đem biếu quan
huyện. Tôn Bính ra sức thoái thác, nhưng dân làng giở võ cù lần, quẳng
lọng vào gian giữa quán trà của ông.
Không còn cách nào khác, Tôn Bính đành vác lọng lên huyện biếu quan tri
huyện. Đây là lần đầu tiên ông lên huyện kể từ khi bị vặt râu. Đi trên phố
huyện, ông không thể nói rõ là mình ngượng, mình hận hay mình buồn, chỉ
thấy cằm nhâm nhẩm đau, hai tai nóng bừng, bàn tay đẫm mồ hôi. Gặp