Thấy ta đến, Triệu Giáp và Mi Nương tạm dừng tay, mắt nhìn ta không
chớp, như chờ đợi ở ta điều gì. Ta nín thở, cúi xuống sờ trán, nóng như than
hồng, bỏng cả tay!
- Thưa ông lớn, làm như thế nào bây giờ? – Qua ánh mắt, ta thấy đây là lần
đầu tiên hắn mất tự chủ, thằng khốn, thì ra mày cũng có lúc khốn nạn như
thế này! Hắn cuống quít, giọng mềm mỏng – Nếu không có biện pháp cứu
vãn, chưa chắc sống được đến đêm…
- Ông lớn hãy cứu cha tui… - Mi Nương kêu khóc – Xin ông hãy nể tui mà
cứu cha tui…
Ta lặng im, trong lòng đau xót vì Mi Nương, vì người đàn bà ngu đần này!
Triệu Giáp sợ Tôn Bính chết là sợ cho bản thân hắn; Mi Nương sợ Tôn
Bính chết là vì không còn lí trí mà sợ. Mi Nương, cha nàng chết chẳng phải
thoát vòng bể khổ, bay lên thiên giới đấy sao? Hà tất bắt ông kéo dài nỗi
đau xé ruột thêm mấy ngày để tô son trát phấn cho ngày thông xe của người
Đức? Ông sống thêm một khắc là chịu hành hạ thêm một khắc, không phải
hành hạ thông thường, mà là giãy giụa trên mũi dao, là lăn lộn trong vạc
dầu. Nhưng nghĩ lại, ông sống thêm một ngày là thêm một ngày huyền
thoại và bi tráng, là dấu ấn khắc sâu thêm trong lòng mọi người, là thêm
một trang đẫm máu trong lịch sử vùng Cao Mật và trong lịch sử nhà Đại
Thanh… Nghĩ tới suy lui, suy đi tính lại, trong lòng phân vân, không quyết
được bề nào. cứu Tôn Bính là tát nước theo mưa, không cứu Tôn Bính là
giơ tay chịu báng. Tôn Bính, ông cảm thấy thế nào? Tôn Bính khó nhọc
ngẩng đầu lên, miệng lắp bắp tiếng được tiếng mất, từ kẽ mắt phóng ra
những tia nóng bỏng như xuyên thẳng vào tim ta. Ta xúc động ghê gớm vì
sức sống ngoan cường và vĩ đại của ông. Thoắt cái, trong lòng ta nảy ra
một ý tưởng mãnh liệt: không thể để ông chết, không thể để một màn kịch
vĩ đại và bi tráng cứ như thế mà kết thúc!
Ta sai hai nha dịch đi mời anh thợ dán hồ ở cửa hàng hồ dán, có tên là Trần
Khéo Tay, bảo anh ta lập tức đem tất cả dụng cụ đồ nghề tới, nói rằng đây
là mệnh lệnh của Tuần phủ Sơn Đông Viên Thế Khải, dám chống lệnh hoặc
cố ý trì hoãn, chém đầu không tha! Tên nha dịch chạy đi như bay.
Ta sai tên nha dịch đi mời anh thợ may ở hiệu may Thành Y điếm, bảo đem