Những cách tiếp cận khác nhau đối với biểu tượng học càng nói lên sự
khác biệt giữa hai hướng nhìn liên quan đến tâm thần và các chức năng của
nó, một là định hướng giản hóa luận của Freud, và một là định hướng cứu
cánh luận của Jung. Với Jung, biểu tượng là những nhân tố tự nhiên của sự
trưởng thành, đưa đến phát triển nhân cách, giải quyết mâu thuẫn và vượt
lên trên các cực đối lập. Vì lý do này, ông cho rằng biểu tượng sở hữu một
chức năng siêu việt, hỗ trợ cho mọi dịch chuyển từ trạng thái tâm lý này
sang trạng thái tâm lý khác. Biểu tượng do vậy là không thể thiếu đối với sự
chữa lành và sự cá thể hóa của Ngã. Loài người có được địa vị ưu việt trên
thế giới vì là loài tạo ra biểu tượng.
Qua xem xét chức năng siêu việt, chúng ta hiểu tại sao Jung yêu thích
sự ngược đời và tán dương sức mạnh sáng tạo của những đối lập. “Những
đối lập là những tiền đề không thể trừ diệt và cũng không thể thiếu của mọi
đời sống tâm thần” (Toàn tập XIV, đoạn 206). Mọi đối lập về bản chất là
không thể hòa hợp, nhưng mâu thuẫn giữa bất kỳ cặp đối lập nào cũng sinh
ra sự căng thẳng, tạo động lực để tâm thần tìm kiếm một khả năng thứ ba
siêu việt hơn cả hai. Nếu người ta học được cách chịu đựng sự căng thẳng
mà trạng thái đối lập luôn mang đến, khi ấy vấn đề sẽ được nâng lên một
bình diện cao hơn: cái tốt được hòa hợp với cái xấu, tình yêu được hòa hợp
với sự căm ghét, nghi ngờ được hòa hợp vào sự chắc chắn, và một thể tổng
hợp mới sẽ xuất hiện giữa ý thức và vô thức, giữa mặt nạ nhân cách và bóng,
giữa cái tôi và Ngã. Những hòa hợp như vậy có được không phải theo con
đường hợp lý hay dựa trên lý trí, mà theo con đường biểu tượng, thông qua
chức năng siêu việt của biểu tượng.
Vì thế, ứng dụng biểu tượng một cách sáng tạo là mấu chốt cho sự phát
triển cá nhân và thực hành trị liệu.
Diễn giải