nhược có thể là một khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống và là một cơ hội cho
sự trưởng thành.
Tuy nhiên, để công tâm với chuyên môn tâm thần học, phải thừa nhận
rằng những bệnh nhân của Jung - từ sau khi ông rời khỏi bệnh viện tâm thần
Burghölzli - hầu như không phải là những trường hợp bệnh “thông thường”
của điều trị tâm thần học. Phần lớn họ là những người có giáo dục, sung túc
và ở nửa sau của cuộc đời. Một số họ là những người phức tạp về tâm lý vì
đã thực hiện một hình thức tâm lý trị liệu nào đó trước khi đến với Jung, và
một tỉ lệ khá lớn không có nhiều vấn đề về tâm thần học. “Khoảng một phần
ba số bệnh nhân của tôi không bị bất kỳ chứng nhiễu tâm có thể được định
nghĩa rõ nào, nhưng chỉ chịu cảm giác vô nghĩa và vô mục đích trong cuộc
sống. Tôi sẽ không phản đối nếu tình trạng ấy được gọi là chứng nhiễu tâm
tổng quát của thời đại chúng ta” (Toàn tập XVI, đoạn 83).
Ông quy “chứng nhiễu tâm tổng quát của thời đại chúng ta” cho điều
gì? Cho một tình trạng “đánh mất tâm hồn” tập thể, một sự mất tiếp xúc với
những biểu tượng thần bí và tôn giáo lớn lao trong nền văn hóa, và cho sự
xuất hiện của những thể chế xã hội khiến chúng ta xa rời bản chất cổ mẫu
của mình. Đây là sự mở rộng của quan điểm được các triết gia như Diderot
và Nietzsche đề xướng và sau đó được phát triển bởi Freud trong Văn minh
và những điều bất mãn của nó. Quan điểm này nói rằng những ích lợi của
nền văn minh có được với cái giá của hạnh phúc tự nhiên. Jung tin rằng nền
văn minh của chúng ta càng trở nên trần tục, trọng vật chất và ép buộc
hướng ngoại, sự bất hạnh càng lớn hơn, “cảm giác vô nghĩa và vô mục đích”
trong cuộc sống càng lớn hơn. Câu trả lời là gì? Không phải là “trở về với
giáo hội”, bởi kinh nghiệm của chính ông đã dạy rằng tôn giáo có tổ chức
nghĩa là cái chết về tâm linh, trừ phi nó xảy đến như sự mặc khải ngộ đạo.
Một lần nữa, cũng từ kinh nghiệm của chính mình, ông cảm thấy chúng ta
không có sự trông cậy nào khác ngoài việc từ bỏ sự theo đuổi ý nghĩa hoàn
toàn theo kiểu hướng ngoại, sự tìm kiếm ở thế giới của những đối tượng vật
chất bên ngoài, vốn quá điển hình trong văn hóa phương Tây. Thay vào đó,