người đang cản đường mình, mà chính là bản thân mình…” (Toàn tập VII,
đoạn 88).
Việc thuyết phục bệnh nhân chịu trách nhiệm về bệnh tật của mình có
thể đòi hỏi nhà phân tích phải rất khéo léo, nếu không bệnh nhân sẽ có thái
độ tự chỉ trích. Bệnh nhân cần hiểu rằng căn bệnh không phải là “lỗi” của
họ, nhưng chỉ bản thân họ mới có khả năng khám phá ý nghĩa của nó và tìm
được sự chữa trị. Mục tiêu là khuyến khích một mối quan hệ sáng tạo cả với
căn bệnh lẫn nhân cách tổng thể của bệnh nhân nhưng không gây ra cảm
giác tội lỗi hay hối tiếc.
Những kỹ thuật phân tích tâm lý theo trường phái Jung - như hai chiếc
ghế, sự qua lại biện chứng giữa hai người ngang hàng, những tạm dừng khá
thường xuyên và việc giảm dần số buổi tư vấn, tự mình phân tích giấc mơ và
“tưởng tượng chủ động” ngoài buổi phân tích chính thức - tất cả đều được
thiết kế nhằm tăng cường cảm giác chịu trách nhiệm ở bệnh nhân để người
đó có quá trình phát triển cho riêng mình.
Jung bỏ cái divan khỏi phòng tư vấn chính vì lý do này. Nó làm bệnh
nhân thụ động và phụ thuộc, nên nó tích cực khuyến khích sự thoái triển về
những phức hợp ấu thơ như Freud nói tới, cản trở sự khởi đầu của một phiêu
lưu hợp tác đầy triển vọng được Jung xem là mấu chốt của phân tích tâm lý.
Jung vẫn ghi nhận đầy đủ những gì bệnh nhân đã là trong quá khứ, nhưng
ông quan tâm hơn nhiều đến những gì bệnh nhân đang trong quá trình trở
thành trong hiện tại. Ngồi mặt đối mặt trên hai chiếc ghế giống nhau cũng
làm nhà trị liệu và bệnh nhân dễ cảm nhận nhau như những người làm một
công việc chung, và dễ kiểm chứng tính chính xác của bất kể phóng chiếu
nào họ có thể áp đặt lên nhau.
Về tần suất các buổi gặp, Jung phê phán cách thực hành của Freud khi
gặp bệnh nhân rất dày qua những thời kỳ dài.