Bí mật của phân tích tâm lý cũng như của cuộc sống là tham gia vào sự
tưởng tượng cả trong lúc ngủ lẫn đời sống lúc thức. “Trong giấc ngủ, khả
năng tưởng tượng có hình thức là những giấc mơ. Nhưng ở trong đời sống
lúc thức, chúng ta cũng tiếp tục mơ dưới ngưỡng ý thức” (Toàn tập XVI,
đoạn 125). Linh hồn song hành với chúng ta như một người bạn không rời,
nhưng chúng ta thường bỏ qua những điều nó thốt ra vì không nghe được.
Thiếu sót này có thể được sửa chữa không chỉ bằng cách chú trọng đến giấc
mơ, mà còn thông qua thực hành tưởng tượng chủ động. Đây là một kỹ thuật
nhằm trao cho tâm thần sự tự do và thời gian để nó tự biểu đạt một cách tự
phát, không bị những cản trở thường có của bản ngã. Nó là “nghệ thuật để
mọi thứ xảy ra”, được Jung quan sát ở Helene Preiswerk trong những buổi
nhập đồng và trong chính bản thân ông ở thời kỳ đương đầu với vô thức.
“Nghệ thuật để mọi thứ xảy ra, hành động thông qua phi hành động, buông
bỏ bản thân như Meister Eckhart dạy - những điều này đối với tôi trở thành
chìa khoá mở cánh cửa đi vào đạo. Chúng ta phải có khả năng để mọi thứ
xảy ra trong tâm thần” (Lời nói đầu, Bí mật của kim hoa, Richard Wilhelm,
Routledge & Kegan Paul, 1962, trang 93).
Tưởng tượng chủ động đòi hỏi một trạng thái trầm tư giữa ngủ và thức.
Nó giống như bắt đầu rơi vào giấc ngủ nhưng đột ngột dừng lại trước khi
mất đi ý thức, rồi ở yên trong trạng thái đó và quan sát những gì xảy ra. Điều
quan trọng là ghi nhận những gì được trải nghiệm để về lâu dài nó vẫn dễ
dàng đến được với ý thức. Nó có thể được ghi chép, vẽ ra, tạo hình, thậm chí
diễn xuất.
Khi bắt đầu, người ta thường chỉ là khán giả thuần túy, nhưng nếu
muốn trải nghiệm thực tại của tâm thần và thật sự buông vào sức mạnh
chuyển hóa của nó, người ta phải đi vào điều tưởng tượng và trở thành một
người tham gia toàn tâm trong vở kịch:
Bản thân bạn phải đi vào quá trình ấy với những phản ứng cá nhân của bạn, như thể bạn là một
trong những nhân vật của sự tưởng tượng, hay đúng hơn, như thể vở kịch được diễn trước mắt