Điều này đưa đến một câu hỏi quan trọng. Nếu lý thuyết cổ mẫu của
Jung là nền tảng đến mức nó liên tục được tái khám phá bởi những người
thực hành các bộ môn khác, tại sao nó không có sự đón nhận nhiệt tình đáng
có khi Jung đề xướng? Theo tôi, lời giải thích bao gồm hai phần: thời điểm
Jung phát biểu lý thuyết, và cách thức ông công bố.
Đầu tiên, trong quãng đời khi tư tưởng của ông đi vào độ chín, các nhà
nghiên cứu tại khoa tâm lý của các trường đại học vẫn đang bị trói buộc vào
thuyết hành vi, họ không đếm xỉa đến những nhân tố bẩm sinh hoặc di
truyền mà thích xem cá nhân như một tấm bảng trắng - tabula rasa, và sự
phát triển của cá nhân gần như hoàn toàn tùy thuộc vào các nhân tố môi
trường. Jung có quan điểm ngược lại, cho rằng đứa trẻ ra đời với một kế
hoạch sống chi tiết và nguyên vẹn, sau đó nó mới tiến tới áp dụng thông qua
sự tương tác với môi trường. Quan điểm này quá khác xa với Zeitgeist, hệ tư
tưởng của thời đại, đến nỗi không tránh khỏi bị đón nhận một cách thù địch.
Thứ hai, Jung không trình bày lý thuyết của ông trong một hình thức rõ
ràng và có thể kiểm chứng, cũng không củng cố nó bằng những bằng chứng
đủ sức thuyết phục. Trong cuốn Những chuyển hóa và biểu tượng của dục
năng, lần đầu tiên ông đưa ra ý tưởng về một vô thức tập thể - thứ sinh ra
“những hình ảnh cổ sơ” (như ban đầu ông dùng để gọi cổ mẫu). Nội dung
của sách quá nặng và chứa quá nhiều bình luận về các yếu tố thần bí của
Kinh Thánh đến nỗi hầu như không ai tiếp thu được trừ những độc giả quyết
tâm nhất. Hơn nữa, giống như Freud từng bị, khi lập luận rằng “những hình
ảnh cổ sơ” bắt nguồn từ lịch sử quá khứ của nhân loại, Jung đang đưa bản
thân vào sự cáo buộc rằng ông tin vào lý thuyết về sự kế thừa những đặc
điểm có được sau khi sinh, được Jean-Baptiste Lamarck (1744-1829) đề
xướng đầu tiên nhưng lúc đó đã bị nghi ngờ. Lý thuyết này nói rằng những
tư tưởng hoặc hình ảnh xuất hiện trong các thành viên của một thế hệ có thể
được chuyển tải thông qua di truyền đến thế hệ kế tiếp và những thế hệ sau
nữa.