như ví dụ của Jung có vẻ cho thấy. Nhưng ông hẳn đã có thể tìm được một
ví dụ thuyết phục hơn để củng cố lý thuyết của mình.
Về cơ bản, lý thuyết cổ mẫu có thể được phát biểu như một quy luật
tâm lý: Bất kỳ khi nào một hiện tượng được thấy là đặc trưng cho mọi cộng
đồng người, nó đều là sự biểu lộ của một cổ mẫu trong vô thức tập thể.
Không thể chứng minh rằng những hiện tượng vốn hiển hiện khắp nơi như
vậy lại hoàn toàn do các yếu tố cổ mẫu quyết định, hay hoàn toàn do sự lan
tỏa văn hóa, bởi lẽ trong tất cả những trường hợp có thể xảy ra đều có sự
liên quan của cả hai nhân tố trên. Tuy nhiên, có khả năng những hiện tượng
được quyết định do cổ mẫu sẽ lan tỏa dễ hơn và kéo dài hơn những hiện
tượng khác. Những đặc điểm hành vi như sự gắn bó với mẹ, sự cố gắng đạt
được vị thế chi phối, tìm bạn tình hay xây dựng gia đình đều đáp ứng ba tiêu
chí sinh học then chốt, gồm tính phổ quát, tính liên tục và tính ổn định về
tiến hóa, do vậy có thể được cho là dựa trên cổ mẫu, và từ chúng sinh ra
những kinh nghiệm tâm lý điển hình cũng như những kiểu thức ứng xử tiêu
biểu trong mọi cộng đồng loài người dù họ ở đâu.
Cổ mẫu phi tâm thần và unus mundus
Cổ mẫu có một tính chất đối ngẫu nền tảng: nó vừa là một cấu trúc tâm
thần vừa là một cấu trúc thần kinh, vừa là “tinh thần” vừa là “vật chất”, và
Jung đã thấy nó là tiền đề cốt lõi của mọi sự kiện tâm lý: “Cổ mẫu giống như
những nền tảng ẩn giấu của phần ý thức, hoặc để so sánh theo một cách
khác, giống như những gốc rễ mà tâm thần đã ăn sâu không chỉ vào mặt đất
theo nghĩa hẹp mà vào thế giới nói chung” (Toàn tập X, đoạn 53). Ông đề
xuất rằng các cấu trúc cổ mẫu không chỉ là nền tảng cho sự tồn tại và sống
còn của mọi thể sống, mà còn duy trì liên tục với những cấu trúc kiểm soát
hành vi của vật chất vô cơ. Tuy nhiên, cổ mẫu không nên được quan niệm
chỉ như một thực thể thuần túy tâm thần, mà thay vào đó như “cây cầu đến