3
Các giai đoạn của cuộc đời
Ả
nh hưởng sâu rộng nhất của cổ mẫu là việc chúng điều chỉnh vòng đời của
con người. Jung khẳng định rằng trong quá trình trưởng thành, chúng ta đi
theo một trình tự tự nhiên gồm các bước như được ông mô tả trong “Những
giai đoạn của cuộc đời” (Toàn tập VIII, đoạn 749-795). Mỗi giai đoạn được
điều chỉnh bởi một tập hợp những cổ mẫu cưỡng bách mới khi chúng tìm
cách thực tại hóa trong nhân cách và hành vi của chúng ta. 99% thời gian
tồn tại của loài người là cuộc sống săn bắt hái lượm, và các cổ mẫu đã tiến
hóa để trang bị cho chúng ta trong sự tồn tại như vậy, nên chương trình của
cổ mẫu trao cho chúng ta một cách sống không phải lúc nào cũng hòa hợp
với cuộc sống của xã hội đô thị hiện đại. Về cơ bản, chương trình này chuẩn
bị cho việc làm con, khám phá môi trường, phân biệt những hình dáng quen
và lạ, học tiếng nói hay phương ngữ của cộng đồng mình, có được một hiểu
biết về giá trị, quy tắc và niềm tin của nó, vui chơi với những người đồng
trang lứa, đối mặt các thách thức của tuổi dậy thì và thanh niên, gia nhập vào
nhóm trưởng thành, yêu đương và kết hôn, nuôi con, đóng góp cho nền kinh
tế thông qua hái lượm và săn bắt, tham gia những nghi thức và nghi lễ tôn
giáo, đón nhận những trách nhiệm của người chín chắn, tuổi già và sự chuẩn
bị cho cái chết. Tất cả những giai đoạn này đều lộ rõ trong mọi cộng đồng
người được bộ môn nhân loại học biết tới, do vậy, chúng tuân theo quy luật
tâm lý đã được trình bày trước đây: Bất kỳ khi nào một hiện tượng được thấy
là đặc trưng cho mọi cộng đồng người, nó đều là sự biểu lộ của một cổ mẫu