trong vô thức tập thể. Như chúng ta đã nói, hạt nhân tinh thần chịu trách
nhiệm cho việc điều phối sự tiếp nối cả đời này được gọi là Ngã.
Bên cạnh Ngã, Jung cũng đặt ra những thành phần cổ mẫu với các vai
trò cụ thể trong sự phát triển của tâm thần và sự điều chỉnh về mặt xã hội
của con người. Những thành phần này bao gồm cái tôi, mặt nạ nhân cách,
bóng, anima và animus. Jung xem đây là những cấu trúc nguyên mẫu, được
tích hợp sẵn trong tâm thần cá nhân dưới dạng những phức hợp trong tiến
trình phát triển. Mỗi cấu trúc là một cơ quan tâm thần, vận hành theo những
nguyên lý sinh học như thích ứng, nội cân bằng và tăng trưởng. Dù chúng ta
sử dụng và trải nghiệm chúng theo những cách đặc thù của riêng mình,
chúng lại thực hiện những chức năng giống nhau trong mọi người ở mọi nơi.
“Xét rốt ráo”, Jung viết, “mỗi cuộc sống cá thể cũng đồng thời là cuộc sống
vĩnh hằng của loài” (Toàn tập XI, đoạn 146). Nói cách khác, chúng ta ra đời
mang theo một vốn liếng cổ mẫu có sẵn, vốn liếng ấy cho phép chúng ta
thích ứng với thực tại giống như tổ tiên xa xưa của chúng ta. Tổng toàn bộ
vốn liếng này được tích hợp vào Ngã. Chính từ ma trận này, những cấu trúc
tâm thần khác hình thành, và chúng chịu tác động dẫn dắt của Ngã trong
suốt phần còn lại của cuộc đời. Chúng ta sẽ xem xét cụ thể từng yếu tố.
Ngã
Đây vừa là kiến trúc sư vừa là người xây dựng nên cấu trúc năng động,
hỗ trợ sự tồn tại về tâm thần của chúng ta trong suốt cuộc đời. Chữ N hoa
trong Ngã, hay S hoa trong Self, được sử dụng nhằm phân biệt giữa “bản
ngã” trong cách dùng hàng ngày (nói tới cái tôi hoặc mặt nạ nhân cách) và
“Ngã” của Jung, thứ siêu việt lên bản ngã và chứa đựng những năng lực lâu
đời của loài. Mục tiêu của nó là tổng thể, hiện thực hóa trọn vẹn bản kế
hoạch cho sự tồn tại của con người trong bối cảnh cuộc sống cá nhân. Cá thể
hóa là raison d’être, lý do tồn tại của Ngã. Dù có những mục tiêu rõ ràng về