Một hệ thống tự điều chỉnh
Quy tắc nền tảng này là quy tắc nội cân bằng về sự tự điều chỉnh, được
Jung mượn từ sinh học và áp dụng cho tâm lý học con người. Nội cân bằng
là phương tiện để mọi hệ thống hữu cơ duy trì trong một trạng thái cân bằng
bất kể những thay đổi của môi trường. Trên thực tế, sự điều chỉnh nội cân
bằng có thể được quan sát thấy ở mọi cấp độ tồn tại, từ phân tử tới các cộng
đồng, trong các thể sống cũng như các hệ vô sinh, và toàn bộ hành tinh của
chúng ta có thể được quan niệm như một hệ thống nội cân bằng khổng lồ.
Tâm thần đã tiến hóa trong bối cảnh của cuộc sống, nên Jung cho rằng các
quy luật chủ đạo trong vũ trụ cũng phải đóng vai trò chi phối trong tâm thần.
Bởi vậy, ông cảm thấy hoàn toàn có thể quan niệm tâm thần như một hệ
thống tự điều chỉnh, không ngừng tìm cách duy trì sự cân bằng giữa các xu
hướng đối lập mà vẫn đồng thời theo đuổi sự trưởng thành và phát triển của
nó.
Tâm thần là một hệ thống tự điều chỉnh, nó duy trì sự cân bằng của nó cũng không khác gì cơ
thể. Một quá trình đi quá xa lập tức và không tránh khỏi gây ra sự bù đắp, và nếu không có
những bù đắp này, sẽ chẳng có sự trao đổi chất bình thường hay một tâm thần bình thường.
Chính vì vậy, chúng ta có thể xem lý thuyết về sự bù đắp như một quy luật căn bản về hành vi
của tâm thần. Quá ít ở phía này dẫn tới quá nhiều ở phía kia. Tương tự, mối quan hệ giữa ý
thức và vô thức cũng có tính chất bù đắp. (Toàn tập XXI, đoạn 330)
Nguyên lý bù đắp là khái niệm chủ chốt của tâm lý động học trường
phái Jung ở chỗ nó có vai trò trung tâm đối với hiểu biết của Jung về cách
thức tâm thần thích ứng và phát triển trong tiến trình của vòng đời.
Một chương trình sống