đúng hay không. Trải nghiệm đem lại ảnh hưởng sâu sắc này là một ví dụ về
việc bị “chiếm lấy” bởi sức mạnh của một phức hợp tự trị.
Mọi cổ mẫu một khi được kích hoạt sẽ tìm cách hiện thực hóa trong
cuộc sống. Điều này đặc biệt đúng với animus và anima, bởi lẽ sự truy tìm
điều trọn vẹn của chúng là cấp bách hơn sự quấy rầy dai dẳng của ham
muốn tính dục. Ràng buộc với một người bạn đời không chỉ là vấn đề phóng
chiếu vô thức. Nếu sự ràng buộc muốn kéo dài đủ lâu để con cái được nuôi
nấng, nó phải được duy trì bằng sự quan tâm không gián đoạn về tính dục,
sự khẳng định của luật pháp, sự thừa nhận của mỗi bên rằng bên kia là một
con người thật sự, với những phẩm chất vượt xa những gì đã được phóng
chiếu. Nếu không thể tha thứ cho một người bạn đời vì không xứng đáng với
những tưởng tượng của anima hay animus của mình, sự đau lòng, tố cáo lẫn
nhau hoặc ly dị rất có thể xảy ra.
Jung nhận thức rất rõ về điều này từ chính kinh nghiệm hôn nhân của
ông. Trong tiểu luận “Hôn nhân như một mối quan hệ tâm lý” công bố năm
1925, ông lập luận rằng một cuộc hôn nhân chỉ có thể là một mối quan hệ
đích thực nếu nó vượt lên trên những phóng chiếu animus/anima mù quáng,
và nếu cả hai bên trở nên ý thức về thực tại tâm thần của bên kia. Nếu
không, nó vẫn là một “hôn nhân Trung cổ”, bị chi phối bởi tập quán và ảo
tưởng, một participation mystique (“một trái tim và một tâm hồn”) thuần
túy. Trong những hoàn cảnh hiện tại, hôn nhân phải là một thiết lập có ý
thức hơn và ít tính khuôn mẫu hơn, kể cả nếu điều này dẫn tới những cảm
giác vỡ mộng, những tưởng tượng liên quan đến giới tính đối lập bị rút lại,
và nhiều trường hợp ly thân, ly dị hơn. “Không có hiểu biết nào sinh ra mà
không trải qua đau đớn” (Toàn tập XVII, đoạn 331).
Tuy nhiên, nếu sự hợp nhất ấy tồn tại được, nó có thể trở thành điều
được gọi là “hôn nhân cá thể hóa” (Guggenbuhl-Craig, Hôn nhân, sống hay
chết? Zürich: Spring Publications, 1977), khiến cho cả hai nhân cách trưởng
thành thông qua hiểu biết nhiều hơn về nhau, về hôn nhân của họ và chính
bản thân họ. “Đây là những điều rất hay xảy ra ở quãng đời trung niên”,