Những đề tài khác nhau của hội họa được xếp hạng cũng như các nghệ sĩ
được xếp hạng tùy theo tài năng trong tương quan với những đề tài này.
Trong hệ thống hàn lâm viện, những nghệ sĩ hạng nhất vẽ những loại tranh
quan trọng nhất. Tranh lịch sử được xem như là tột đỉnh của sự sáng tạo
nghệ thuật và thường được quy chiếu về lịch sử cổ đại hoặc thần thoại (như
chúng ta đã thấy trong bức chân dung của Reynolds). Trong những xứ sở
theo Anh giáo hay phái Kháng cách như Vương quốc Anh, các đề tài Kinh
Thánh không thông dụng trong nghệ thuật như tại những nơi khác ở châu
Âu. Nhưng những tái hiện về các sự tích trong Kinh Thánh được coi là
ngang hàng với tranh lịch sử trong thứ bậc hàn lâm. Tranh lịch sử có thế giá
hơn là tranh chân dung, tiếp theo là tranh thế sự (những hoạt cảnh đời-sống
thường ngày), và tranh phong cảnh. Ý niệm về hàn lâm viện có vai trò quan
trọng với lịch sử nghệ thuật bởi nó là một trong những địa điểm đầu tiên
nơi nghệ thuật được trình ra với một công chúng chọn lọc. Vasari, là người
chúng ta đã thấy rất có ảnh hưởng trong việc viết lịch sử nghệ thuật, khai
sáng hàn lâm viện mỹ thuật đầu tiên ở Florence vào năm 1563 với sự đỡ
đầu của Đại công tước Cosimo de’ Medici và Michelangelo. Vasari có ý
hướng để hàn lâm viện của ông như một phương tiện vừa để thăng tiến địa
vị xã hội của nghệ sĩ vừa để cống hiến sự đào tạo. Những thành phố khác ở
Ý chẳng bao lâu cũng noi gương ông, với Hàn lâm viện Thánh Luca
(Accademia di S. Luca) được sáng lập ở La Mã năm 1593 và Hàn lâm viện
Bologna năm 1598.
Năm 1648, nước Pháp thành lập hàn lâm viện của chính mình, với tên
gọi Hàn lâm viện Hoàng gia về Hội họa và Điêu khắc (Académie Royale de
Peinture et de Sculpture), chẳng bao lâu sẽ trở thành đầu tàu cho cơ chế
quảng cáo của chế độ quân chủ. Giống như Hàn lâm viện Hoàng gia
London, nó cống hiến sự đào tạo và xếp hạng các nghệ sĩ tùy theo hình
thức nghệ thuật mà họ thực hành. Để thừa nhận tầm quan trọng bền lâu của
nghệ thuật cổ đại và Phục hưng của Ý, một hàn lâm viện Pháp ở La Mã
được thành lập vào năm 1666, tạo thuận tiện cho việc học hỏi trực tiếp các
tác phẩm quan trọng.