thể trông chờ những ai ‘biết’ về nghệ thuật tới tham dự các thiết chế của họ.
Nhưng như vậy những thiết chế đó có thể được gọi là những bảo tàng công
cộng không? Những người khác lập luận rằng khách viếng thăm không cần
có hiểu biết trước về nghệ thuật để thấu hiểu và thưởng thức các nghệ phẩm
- đó là một thú tiêu khiển về mỹ học mà bất cứ ai cũng có thể hưởng được
nếu thích thưởng ngoạn các nghệ phẩm. Đây là hai ý kiến đối chọi, và còn
nhiều quan điểm ở giữa hai ý kiến đó. Nhưng đâu là những hậu quả của
những thái độ như vậy? Nếu một bảo tàng hoặc phòng tranh cố gắng
khuếch trương sự thu hút, nó nên đảm đương những chiến lược nào?
Tôi đã nói chuyện về việc trưng bày những đối tượng nghệ thuật theo
phong cách hoặc trường phái, thường được sắp đặt trong thứ tự biên niên,
có thể cưỡng lại các hệ thống mục đích luận đã từng chế ngự lịch sử nghệ
thuật. Nhưng còn có một yếu tố thuộc chủ nghĩa đại chúng (popularisim)
về điều này: chẳng hạn khi Bảo tàng Orsay (Musée d’Orsay) khai trương ở
Paris vào năm 1986, một thể thức mang tính lịch sử về trưng bày được
chọn bởi người ta nghĩ rằng điều này có sự thu hút rộng mở nhất. Nhưng
điều này dễ đạt được hơn nếu như có một bản tự sự mang sử tính rõ rệt về
sự tiến triển - trong trường hợp của Orsay là hội họa hàn lâm Pháp từ giữa
thế kỉ thứ 19 xuyên suốt tới Manet và những nghệ sĩ thuộc chủ nghĩa ấn
tượng (Impressionism), và rồi tới những nghệ sĩ tân-ấn tượng (Neo-
Impressionism) và hậu-ấn tượng (Post-Impressionism). Tất cả tiến hành tốt
đẹp như một chuỗi mạch lạc, gọn ghẽ, và ngay tự thân tòa nhà của viện bảo
tàng cũng là một nhà ga xe lửa thuộc thế kỉ thứ 19 đã được chuyển hóa, sẽ
tăng thêm trải nghiệm lịch sử ‘chân chính’ về nghệ thuật của thời đó.
Nghệ thuật từ nửa sau của thế kỉ 20 trở đi đôi khi tạo ra những đề xuất
phải được xử lí xét về tính tiếp cận dễ dàng với công chúng và cách những
tác phẩm được trưng bày. Sự trưng bày những gì tôi gọi ở đây là nghệ thuật
‘hiện đại’ trong các bảo tàng đã bứt khỏi công thức truyền thống được thấy
ở Orsay, Phòng tranh Quốc gia ở London, và một loạt những thiết chế lớn
khác, một số trong đó tôi đã nêu ra. Kể từ khoảng thập niên 1980, những
bảo tàng nghệ thuật hiện đại đã dành toàn bộ các căn phòng hoặc không