Chiều kích hồi tưởng của cuốn sách đem lại cho tiểu luận thứ ba, ‘Ý
nghĩa của lý tưởng khổ hạnh là gì?’, cấu trúc kỳ lạ của nó, dường như đi xa
khỏi những vấn đề đang bàn trước đó. Vì ở đây, ông tiến hành khảo sát các
lý tưởng khổ hạnh có nghĩa là gì với những nhóm người khác nhau, những
người đã luôn quan trọng với ông, vì những đau khổ tự gây ra của họ. Cuộc
sống dù thế nào cũng đã là đáng sợ, vậy tại sao lại làm cho nó tồi tệ hơn
bằng cách thực hành chủ nghĩa khổ hạnh, tự nguyện gia tăng điều mà lẽ ra
người ta phải tránh? Đau khổ mà chỉ là ngẫu nhiên, nó đến thăm ta mà
không một lời giải thích, là điều không thể chịu đựng được. Nhưng nếu
chúng ta tự gây đau khổ cho chính mình thì chúng ta có thể hiểu được điều
đó, và mở rộng sự hiểu biết của chúng ta với toàn bộ cuộc sống.
Nghệ sĩ là những người đầu tiên được xem xét kỹ lưỡng; nhưng việc
này sớm quy về Wagner (không phải là một bất ngờ lớn của Nietzsche), và
về chuyện mà Nietzsche coi là việc chay tịnh lúc về già của ông ta. Trong
quá trình đó, Nietzsche nói ‘người ta làm hết sức để tách người nghệ sĩ ra
khỏi tác phẩm của họ, không nhìn nhận họ một cách nghiêm túc như tác
phẩm của họ… Thực tế là nếu họ là tác phẩm, họ sẽ không miêu tả, thai
nghén trong đầu, và thể hiện nó: Homer sẽ không tạo ra Achilles hay
Goethe cũng không tạo ra Faust nếu Homer đã là một Achilles hoặc Goethe
đã là một Faust’ (GM III. 4). Kết luận là các nghệ sĩ không có lương tâm,
chấp nhận bất kỳ điệu bộ giả tạo nào miễn nó thúc đẩy tác phẩm của mình.
Họ sử dụng các trải nghiệm cho mục đích sáng tạo, là thứ có lẽ không dính
dáng gì nhiều tới ‘chân lý’. ‘Vậy thì ý nghĩa của lý tưởng khổ hạnh là gì?
Trong trường hợp của một nghệ sĩ, như chúng ta thấy, không là bất cứ cái
gì!’ (GM III. 5). Vào lúc bắt đầu sự nghiệp, họ nói rằng ‘nghệ thuật là hoạt
động siêu hình thật sự của cuộc sống này’ rồi sau đó siêu hình bị bỏ rơi.
Vào lúc ấy, Nietzsche còn chưa sẵn sàng để nghĩ rằng có bất kỳ mối quan
hệ mật thiết nào giữa nghệ thuật và thực tại. Trong một lưu ý muộn, ông
viết: ‘Nếu một nhà triết học nói ‘cái tốt và cái đẹp là một’ thì đó là một sự ô
nhục; nếu ông ta còn thêm ‘cả sự thật nữa’, thì phải đánh đòn ông ta. Sự
thật là xấu xí. Chúng ta có nghệ thuật để khỏi tàn lụi vì sự thật’ (WP 822).