một kẻ tuyệt vọng (BT 7). Nhưng điều đó có thể có hiệu quả bi kịch đầy đủ,
nếu như nó có, lại không phải là điều mà ông khảo sát tỉ mỉ.
Còn bất lợi hơn nữa, Nietzsche không thể giải thích lý do tại sao lại có
quá ít những bi kịch âm nhạc; dường như ông mặc nhiên cho rằng Wagner
đã viết chúng, mặc dù với tôi thì rõ ràng là Wagner không làm như thế.
Thật vậy, hết nhà soạn nhạc này đến nhà soạn nhạc khác đã từng sử dụng
sức mạnh vô hạn của âm nhạc để chỉ ra rằng, mặc dù những điều xấu xa có
thể xảy ra trên sân khấu, nhưng chúng có thể được tiết giảm. Thứ thực sự
gây ấn tượng với Nietzsche là mức độ xuất thần mà âm nhạc, không giống
như bất kỳ nghệ thuật nào khác, có thể tạo ra. Và vì ông ban cho bi kịch
một địa vị cao theo cách truyền thống, như là hình thức nghệ thuật cho thấy
làm thế nào chúng ta có thể sống sót ngay cả khi cuộc sống có vẻ không thể
chịu đựng nổi, ông tạo ra một hỗn hợp của cả hai.
Chính ở đây sự trung thành của ông với Schopenhauer gây tổn hại
nhiều nhất. Vì Schopenhauer cũng tin rằng âm nhạc cho chúng ta truy xuất
trực tiếp đến các vận động của Ý chí, vì nó không bị trung gian bởi các khái
niệm. Nhưng sự giải thích chung của ông về bản chất của Ý chí, nỗ lực mãi
mãi và không bao giờ đạt đến, thì rất khó để thấy được làm thế nào hay tại
sao chúng ta nên nhận lấy bất kỳ niềm vui nào trong một nghệ thuật mà nó
cho chúng ta tiếp xúc trực tiếp với nó. Người ta có thể nghĩ rằng khoảng
cách giữa chúng ta và thực tại càng lớn thì chúng ta càng ít bị dày vò hơn.
Nietzsche sửa đổi Schopenhauer phần nào đó bằng cách tuyên bố rằng
Cái Một nguyên thủy là một hỗn hợp của nỗi đau và niềm vui, nhưng như
đã nói ở trên, nỗi đau chiếm ưu thế. Điều mà Nietzsche đang làm là cố gắng
trả lời câu hỏi truyền thống: Tại sao chúng ta thích bi kịch? Ông tự tách
mình một cách đúng đắn khỏi các câu trả lời truyền thống, coi chúng là
nông cạn và tự mãn. Nhưng trong khi nỗ lực để dựng bi kịch lên thành một
tác nhân làm biến dạng thứ dường như không thể biến dạng, ông đã bắn
trượt mục tiêu, tự mình rơi vào cạm bẫy của sự đánh đồng giữa sự thật và
cái đẹp, điều mà sau này ông chỉ trích gắt gao bằng những ngôn từ mạnh