những lý do khác hơn là những lý do vẫn được chấp nhận cho đến
nay. Chúng ta phải học cách suy nghĩ khác đi - để cuối cùng, có lẽ rất
lâu về sau, để đạt được nhiều hơn: để cảm nhận khác đi.
(D 103)
Đáng tiếc, điều mà Nietzsche bảo chúng ta ‘đi mà không nói năng gì’
là điều mà ông hiếm khi chịu nhắc lại. Cũng vì chính cái quan điểm tầm
thường và được chấp nhận rộng rãi cho rằng ông phủ nhận ‘nhiều hành
động được gọi là vô đạo đức cần phải tránh và phản đối… Mặc dù, cần lưu
ý trong đoạn viết rất cẩn thận này - là điển hình của D, và khiến người ta
ngạc nhiên hơn cả là nó hiếm khi được dùng đến - ông nói ‘nhiều’ hành
động, nhưng không xác định là những hành động nào. Chuyện đó, tôi nghĩ,
một phần là vì quan điểm của ông đang trải qua sự phát triển căn bản tại
thời điểm ấy, và có thể ông không muốn ràng buộc mình vào một số trường
hợp nhất định. Nhưng, ở giai đoạn ấy, ông không quá chắc chắn về việc rút
lại những ‘cơ sở, tiền đề’ của đạo đức sẽ làm thay đổi các kết luận đến mức
nào. Trong số các cơ sở mà ông ngay lập tức tấn công là những gì xác định
mục tiêu của đạo đức theo nghĩa ‘sự bảo tồn và tiến bộ của nhân loại’ mà
ông đặt câu hỏi về chúng.
Liệu người ta có thể suy ra một cách chắc chắn từ đó điều phải luôn
được xem là sự tồn tại lâu nhất có thể của nhân loại? Hoặc giải thú vật
hóa (decimalisation) lớn nhất có thể của nhân loại? Những ý nghĩa sẽ
khác nhau ra sao, tức là nói đến đạo đức thực tiễn, trong hai trường
hợp này!… Hoặc cứ cho là người ta quan niệm việc đạt được ‘hạnh
phúc cao nhất’ của nhân loại như là đạo đức cho cái gì và của cái gì:
phải chăng người ta muốn nói mức độ cao nhất của hạnh phúc mà cá
nhân có thể đạt tới? Hoặc - chắc chắn không thể tính toán được - một
hạnh phúc trung bình mà rốt cuộc mọi người đều có thể đạt đến? Và
tại sao để đạt được điều đó lại phải là có đạo đức?