“Cậu đi xa lâu nên có lẽ chưa hiểu hết phụ nữ nước ta, suy nghĩ của cậu
cũng bị ảnh hưởng lớn bởi vẻ đẹp của phụ nữ Nhật rồi”. Công nương Kirati
cười rồi nói một cách nghiêm túc: “Ta thấy cậu nghĩ cũng đúng đấy, và ta rất
ủng hộ điều đó cho dù ta không am hiểu mấy để mà phân tích về vấn đề
này”.
Tôi nói lời cảm ơn khi nàng kết thúc câu cuối.
“Ta không sao quên được khuôn mặt rạng rỡ của hai cô gái ban nãy”. Nàng
nói tiếp như đang liên tưởng đến một điều gì đó. “Giống như cây cần được
chăm bón tốt, đang kỳ ra hoa, đang tận hưởng cuộc sống tươi đẹp ở độ xuân
thì. Sự viên mãn ấy làm ta nghĩ tới bản thân mình mà cảm thấy có đôi chút
chạnh lòng”.
“Tôi không hiểu”. Tôi hỏi nàng đầy hoài nghi. “Tại sao công nương lại
chạnh lòng khi thấy hai cô gái trẻ trung, trong sáng đó? Bản thân công
nương cũng đã hội tụ tất cả những điều ấy rồi đó thôi? Đôi khi sự viên mãn
của công nương còn có giá trị hơn cả bọn họ nữa ấy chứ”.
“Ai dạy cậu nói với ta như vậy?”.
“Cảm giác dẫn lối cho tôi”. Tôi trả lời ngay, “Và tôi tin rằng, chắc chắn
không chỉ mình tôi nghĩ như vậy”.
“Nhưng cậu vẫn chưa biết những ưu tư trong lòng ta. Sự vui vẻ của ta bây
giờ, nếu cậu nghĩ rằng có, không thể đem ra so sánh với sự tươi vui của hai
cô gái trẻ đó. Sự tươi vui của họ, như ta đã nói, giống như nụ hoa đang hé
nở, như ánh sáng trong buổi bình minh. Còn sự vui tươi của ta, nếu như bây
giờ vẫn còn vương lại, thì đó cũng chỉ là ánh sáng của buổi chiều tà mà thôi,
sớm muộn gì cũng sẽ biến mất. Bây giờ có lẽ cậu đã hiểu, ta có lý lẽ của
mình khi nói ra hai từ ‘chạnh lòng’”.
“Tôi vẫn chưa thấy điều đó”. Tôi tiếp lời nàng. “Tuy đồng ý với cách so
sánh của công nương nhưng tôi vẫn không đồng tình với công nương ở chỗ
sự tươi trẻ của công nương như ánh mặt trời xuống bóng lúc hoàng hôn.