“Tuy nhiên, tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó chưa ổn. Từ
Matxcơva chuyển sang Nhật, tôi đã có cơ hội gặp gỡ với nhiều người
hơn và có lẽ tôi đã trưởng thành hơn. Tôi bắt đầu tổ chức các buổi
hòa nhạc. Những công việc tôi nghĩ có liên quan đến mình là tôi tự
giác làm. Sau này, qua các nước phương Tây, tôi vẫn biểu diễn tốt;
làm việc, nói năng tự do, linh hoạt”.
Khi chuyển đến Canada, Đặng Thái Sơn cảm thấy tinh thần
sảng khoái, như được giải phóng khỏi cơ thể. Đó quả là thời gian rất
tự do, thoải mái. “Cuộc sống của tôi khi đó không bị ràng buộc bởi
bất cứ quy tắc nào, đó là lúc tôi bắt đầu có thể thấu hiểu được
cái gọi là sự linh hoạt”.
Thường những nghệ sĩ châu Á, như Đặng Thái Sơn, khi nhìn thấy
những nốt nhạc là tự nhiên chơi chính xác từng nốt. “Có thể là
chúng tôi muốn trung thực với những gì đã được các nhạc sĩ viết ra.
Khi đến Matxcơva, tôi đã nhận ra nhiều sự khác biệt. Cách biểu
diễn của các nghệ sĩ mà tôi chứng kiến ở đây có nhiều khác biệt so
với khi nhìn trên bản nhạc. Tôi đã biết là không nhất thiết phải
chơi đúng tốc độ, sắc thái, trường độ mà cần phải có được sự linh
hoạt, uyển chuyển”.
Lúc đó Đặng Thái Sơn đã nghĩ rằng đây chính là sự linh hoạt
trong nghệ thuật chơi đàn mà mọi người vẫn nói. Sự linh hoạt không
thể dạy theo một quy tắc nào cả. Nghệ sĩ piano phải nắm bắt được
bằng cảm giác nhạy bén của mình. Cho dù có bắt chước ai thì mãi
mãi cũng chỉ là kỹ năng vay mượn, không thể thành của riêng mình
được. Phải cảm được tác phẩm. Phải đặt nó trong chính cuộc đời
mình, thể hiện một cách tự do, và đưa cảm giác tự do đó vào tác
phẩm.