Khi bắt tay vào một tác phẩm mới, Đặng Thái Sơn thường tưởng
tượng như mình đang xây một căn nhà. Trước tiên, cần phải có nền
và thiết kế, rồi hình dáng tổng thể sẽ như thế nào, xây bao nhiêu
tầng, cuối cùng căn nhà trông ra sao?... Tác phẩm của Chopin là
một thí dụ cho thấy tầm quan trọng hàng đầu của tinh thần, tính
cách của tác phẩm. Tính nghệ thuật thế nào? Tính truyền cảm ra
sao? Nghệ sĩ biểu diễn phải luôn hướng mình vào việc tìm kiếm
những điều đó.
Bước đầu, không cần đi quá sâu vào chi tiết, chỉ cần nắm
được tổng thể tác phẩm. Quá trình tập có chậm cũng được, nhầm
cũng không sao, chủ yếu cố gắng chơi hết bài.
Giai đoạn tiếp theo là chơi chính xác từng nốt nhạc. Phải tập
bằng hai tay. Sự cân bằng giữa hai tay rất quan trọng. Tập nhiều
lần chầm chậm, không cần phải thật đúng nhịp, nhưng nốt nhạc,
âm thanh thì phải chính xác.
Sau khi làm được như vậy thì chơi đi chơi lại nhiều lần cả bài,
mài giũa phương pháp đánh toàn bài. Và bắt đầu suy nghĩ xem tác
phẩm này muốn thể hiện điều gì?
Rồi sẽ đến lúc nốt nhạc đánh ra không phải bằng sự tính toán
đầu óc mà như thể tự nhiên bật ra. Giai đoạn sau cùng là chơi nhiều
lần trước mặt người khác, một cách tự nhiên. Đến đó có thể coi như
đã chọn được tác phẩm cho danh mục biểu diễn của mình.
Khi nói tới một ngôi nhà, ngoài nền móng, phối cảnh chung thì
ta cũng phải tính xem đặt cửa sổ chỗ nào, cửa chính màu gì, màu sắc
tường, trần nhà ra sao. Xong xuôi đẹp đẽ rồi mới mời bạn bè thân
hữu tới ăn tân gia, khoe nhà mới.