57
TẬP 6: DANH NHÂN CÁCH MẠNG VIỆT NAM
đã đàn áp tàn khốc. Dù không có chứng cớ rõ rệt, nhưng thực dân Pháp
vẫn biết đứng sau các vụ bạo loạn này là ai. Do đó, chúng đã bắt hàng
loạt các nhà duy tân, các bậc trí thức tống giam ngoài Côn Đảo. Trần Cao
Vân bị bắt lại trong trường hợp này, vì chúng nghi ngờ ông là một trong
những người có nhúng tay xúi giục. Ngày tháng ở tù, có làm bài thơ nói
lên khí phách phận làm trai (Lâm Quang Thự dịch):
Hỏi sao ta lại đến Côn Lôn?
Cửa ngục mờ trông sóng biếc dồn.
Nước mất thù này trai chưa trả,
Cha già còn đó hiếu không tròn.
Biển đưa tin cá trao tâm huyết,
Trời nổi tăm nghê tỉnh mộng hồn.
Nhớ lại Lạc Hồng công dựng nước,
Thề thân còn có có giang sơn.
Sau sáu năm tù ở “địa ngục trần gian”, Trần Cao Vân được trả tự do.
Chao ôi! Thời gian vùn vụt trôi qua. Mới ngày nào đây, vừa mới ngoài
20 xuân đưa vợ vào Bình Định, đã trải qua bao sóng gió của cuộc đời,
thoáng chốc nay đã gần tuổi “tri thiên mệnh” mà chữ hiếu vẫn chưa
trả xong! Ra tù, Trần Cao Vân chỉ phụng dưỡng cha già vỏn vẹn dăm
ngày thì phải tiễn cha về suối vàng! Giữa lúc tình nhà đang ngổn ngang,
nhưng nợ nước khiến ông không thể ngồi yên.
Bấy giờ, cuộc thế chiến tranh thứ nhất đã nổ ra. Các nhà cách mạng
Việt Nam hồi hộp theo dõi tình hình chiến sự. Khi hay tin quân Đức
vượt qua sông Aisne, sắp tấn công vào kinh thành Paris thì họ cho rằng
nước Pháp đang suy yếu. Giữa lúc chúng đang lúng túng, lo đối phó
ở chính quốc thì tại sao ta không nhân cơ hội này để đánh Pháp giành
lại độc lập cho nước nhà? Các lãnh tụ của tổ chức Việt Nam Quang
phục Hội tại Trung kỳ quyết định tiến hành một cuộc khởi nghĩa. Các
ông Thái Phiên, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương... là những yếu nhân
của Hội tại Quảng Nam đã nhanh chóng mời Trần Cao Vân tham gia
làm quân sư.