DANH NHÂN ĐẤT VIỆT - Trang 24

Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.
Bốn câu thơ thật ngắn gọn, ý tứ cũng không có gì hóc hiểm, nhưng đã sống
trong mọi trí nhớ, đem lại niềm bồi hồi, xúc cảm cho rất nhiều thế hệ,
không khác gì một bài Bình Ngô đại cáo, một bài Hịch tướng sĩ, một bài
Nam quốc sơn hà.
Hãy bàn về hai địa danh Chương Dương, Hàm Tử của bài thơ. Đối với tác
giả thì đây là những sự kiện hãy còn quá mới mẻ. Chỉ mới trước khi ông
đặt bút viết bài thơ đúng hai tháng thôi, hai trận thắng oanh liệt Chương
Dương, Hàm Tử đã diễn ra, làm kinh hoàng quân giặc, và cũng mở ra cơ
hội để quân Trần lật lại thế cờ. Nhưng mới có hai tháng mà hai địa danh
chưa ai quen biết đã bước hẳn vào địa hạt của thơ, y như những điển cố
quen thuộc nói về chiến công vẫn thường gặp trong sách vở. Trước Trần
Quang Khải, chiến công anh hùng của dân tộc cũng đã có nhiều, và thơ nói
về chiến công cũng không ít, nhưng một địa danh cụ thể của một chiến
công nào được văn thơ ghi lại thì chưa hề có. Thế mà ở đây, lần đầu dùng
những địa danh Việt Nam để nói về chiến trận, người viết lại không chút bỡ
ngỡ, lúng túng, trái lại, vẫn dồi dào cảm xúc. Đấy quả là điều lạ!
Vậy, cái lý do gì làm cho Trần Quang Khải nói đến Chương Dương, Hàm
Tử mà xúc động thành thơ? Phải nói đây là hai cái tên tượng trưng cho cả
một chiến dịch lớn của quân dân nhà Trần. Bấy giờ, sau nhiều ngày tháng
liên tiếp đuổi theo hai vua Trần không có kết quả, đạo quân Nguyên Mông
hùng hổ và kiêu căng, chỉ biết ỷ vào sức mạnh đã dần dần lâm vào thế bị
động. Hai vua Trần và Trần Quốc Tuấn liền hạ lệnh cho quân sĩ phản công.
Tháng Năm năm 1285, Trần Nhật Duật cùng một số tướng sĩ được lệnh
đem quân đến đón giặc ở cửa Hàm Tử - nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh
Hưng Yên. Giặc Nguyên đại bại. Thừa thắng, Trần Quang Khải cùng một
số tướng sĩ khác lại được lệnh đem quân đánh úp Chương Dương - nay
thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây. Cuốn Kinh thế đại điển tự lục đời
Nguyên đã thừa nhận: "Thủy lục đến đánh vào đại doanh, vây thành mấy
vòng, tuy chết nhiều nhưng quân tăng thêm càng trở nên đông. Quan quân -
nhà Nguyên - sớm tối đánh rất khốn đốn, thiếu thốn, khí giới đều kiệt"

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.