DANH NHÂN ĐẤT VIỆT - Trang 26

Những chiến công chói lọi của ông cha thật đáng tự hào cho con cháu.
Nhưng càng tự hào, càng không quên quá khứ, thì càng phải làm sao sống
những phút giây hiện tại cho thật ý nghĩa. Trên hay dưới, ai cũng như ai,
đều phải sử dụng thích đáng từng phút từng giây thanh bình vô giá đó. Có
thế mới xứng đáng tiếp nối được cái "nước non" mà cha ông trao vào tay
mình, mới làm cho "nước non này" trở thành "nước non muôn thuở".
*
* *

Hơn một trăm năm sau bài thơ của Trần Quang Khải, chúng ta lại được đọc
bài Quá Hàm Tử quan của Trần Lâu, một nhà thơ đồng thời là nhà giáo đời
Hồ. Không ai biết nhiều về cuộc đời và văn nghiệp của nhà thơ họ Trần
này, chỉ biết ông đỗ đến Tiến sĩ (Thái học sinh) và để lại cho hậu thế chỉ có
bài thơ duy nhất, cảm tác về cửa Hàm Tử ấy. Nhưng có lẽ cũng chính nhờ
bài thơ duy nhất đó mà tên tuổi ông còn được lưu truyền. Bài thơ như sau:
Thuyết trước sa trường cảm khái đa,
Nhi kim Hàm Tử mạn kinh qua.
Cổ chinh húng dũng triều thanh cấp,
Kỳ bái sâm si trúc ảnh tà.
Vương đạo hồi xuân nồng cổ thụ,
Hồ quân bão hận thấu hàn ba.
Toa Đô thụ thủ tri hà xứ?
Thủy lục sơn thanh nhập vọng xa.
(Cảm khái bao nhiêu cuộc chiến này!
Mà nay Hàm Tử mới qua đây.
Trống chiêng rộn rịp: triều lên gấp,
Cờ xí tưng bừng: tre lả lay.
Vương đạo hồi xuân, cây thắm lại,
Quân Hồ ôm hận, sóng vùi thây.
Toa Đô nộp mạng nơi nào nhỉ?
Nước biếc non xanh mắt chứa đầy!)

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.