DANH NHÂN ĐẤT VIỆT - Trang 27

Rõ ràng là trên cùng một sự kiện lịch sử mà cảm hứng thơ đã khác xưa. ở
đây, nhịp điệu thơ trầm tĩnh hơn, hình tượng thơ tỏa rộng xen lẫn chất trầm
tư, tứ thơ trở nên man mác. Quả là lời thơ của người đời sau, tức cảnh mà
cảm khái về lịch sử, chứ không còn là người trong cuộc hào hứng xúc động
về sự kiện nóng bỏng của thời đại mình.
Và nói chung, những điều nhận xét về Trần Lâu cũng hoàn toàn đúng đối
với tất cả những thơ văn cảm tác về Chương Dương, Hàm Tử làm ra sau
bài Phò giá trở về kinh: chúng đều là những đóng góp có tính chất bổ sung
hay tô đậm thêm vào cái phần sáng tạo căn bản của Trần Quang Khải; song
chúng không thể làm lu mờ, càng không thể thay thế bốn câu thơ tinh túy
của nhà thơ đời Trần.
Lại cũng có thể ngờ rằng mấy câu:
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

Trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là bắt mạch xa gần từ trong hình
tượng thơ của bài Phò giá trở về kinh. Mấy chi tiết lẫn lộn về lịch sử ở đây
- Toa Đô không phải bị bắt ở Hàm Tử mà bị giết chết ở trận Tây Kết lần
thứ hai; trái lại Ô Mã Nhi không phải bị giết mà bị bắt sống ở Bạch Đằng
chẳng làm người đọc bận lòng cho lắm, nhưng cái hình ảnh bắt giặc ở cửa
Hàm Tử thì cứ y như thoát thai từ nguồn cảm hứng tươi rói của câu thơ:
Hàm Tử bắt quân thù.
Còn như mấy câu lục bát của tác giả Đại Nam quốc sử diễn ca.
Chương Dương một trận phong đào,
Kìa ai cướp giáo ra vào có công.
Hàm Quan một trận ruổi rong,
Kìa ai bắt giặc uy phong còn truyền.

Thì không nghi ngờ gì nữa, đó là dư âm trực tiếp của hai câu thơ đầu trong
bài Tụng giá... nổi tiếng của Trần Quang Khải.
Nguyễn Huệ Chi

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.