(Dẫn theo Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm
lược Nguyên Mông thế kỷ 13, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, tr.
235). Và thế là bắt đầu một cuộc tháo chạy của đám tàn quân Trung Quốc
ra khỏi thủ đô của Đại Việt, rồi từng bước, từng bước rút lui thục mạng về
nước.
Trên đường trở về kinh đô đúng giữa ngày toàn thắng, tất cả những hình
ảnh sốt dẻo của cái chiến dịch mà chính mình vừa tham gia, chắc vẫn chưa
thôi xôn xao trong tâm trí Trần Quang Khải, chưa hết làm ngạc nhiên, sảng
khoái tâm hồn nhà thơ. Cái nhân tố gì đã giúp cho non sông xã tắc ta giành
được thắng lợi? Trước một kẻ địch thiện chiến và kiêu hùng đến như vậy,
làm sao quân ta lại có thể giáng cho chúng những đòn thất điên bát đảo, và
thần tốc đến chính người trong cuộc cũng ít ai có thể ngờ? Lạ lùng quá đi
thôi! Nhưng mà sự thực vẫn còn kia: này đây là Chương Dương, này đây là
Tây Kết, này đây là Hàm Tử. Lòng nhà thơ bỗng rộn lên một niềm bâng
khuâng khôn tả. Ông ngẫm lại những ngày long đong xa giá triều đình đã
phải ra đi, ngẫm lại bao nhiêu cái giá đã phải trả cho cuộc chiến thắng... và
đột nhiên, một chân lý bỗng lóe hiện trong óc ông: chiến thắng này phải
đâu giờ đây mới đến. Nó đã được chuẩn bị từ ngày đất nước còn thanh
bình. Vì chính vào những ngày đó, cả nước đã biểu hiện sự chung sức
chung lòng; người trên biết "nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc"; kẻ dưới
biết quyết tâm "Sát Thát" và có tinh thần thắng giặc. Chân lý đến với Trần
Quang Khải và cảm hứng thi ca cũng đến cùng một lúc. Nhà thơ thấy
không thể không thốt lên, bằng những lời rất tiết kiệm và súc tích, để nhắc
nhở con cháu, cũng là để nhắc nhở với lòng mình:
Cướp giáo Chương Dương đó!
Bắt thù Hàm Tử đây!
Thái bình nên gắng sức,
Muôn thuở nước non này!
(Trinh Đường dịch)
Không có gì gọn ngắn và đơn giản hơn nữa. Quả là buột thốt thành thơ!
Song cái ý chứa đựng bên trong, cái ý nhắc nhở của nhà thơ, thì không chút
tầm thường và đơn giản. ở đâu và bao giờ cũng cần một lời nhắc như vậy!