nhiều tác giả
Danh Nhân Đất Việt
Nguyễn Gia Thiều
tác giả Cung oán ngâm khúc
V
ăn học Việt Nam thế kỷ 18 đạt những thành tựu rực rỡ vì đã chứng
kiến sự ra đời nhiều tác phẩm Nôm xuất sắc ở cả hai mặt: nội dung phản
ánh thời đại sâu sắc và trình độ nghệ thuật điêu luyện. Một trong những tác
giả có công lao đóng góp vào thành tựu ấy là Nguyễn Gia Thiều.
Thời đại Nguyễn Gia Thiều sống là thời đại có nhiều biến động. Loạn lạc,
đói kém khắp nơi. Vua chúa quan lại ăn chơi trụy lạc, tranh chấp, loại trừ
nhau. Dân nghèo bị đàn áp, bóc lột. Binh sĩ bỏ thây ở các chiến trường.
Trong triều đình, ngoài thôn xóm, từ quý tộc đến bình dân đều cảm thấy hãi
hùng, bế tắc. Sự lo lắng về thân phận con người mặc nhiên được đặt ra cho
những ai có ý thức quan tâm đến hiện thực bất bình và vấn đề nhân đạo.
Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (có nhiều bản dịch) đã là
một tiếng nói phản đối chiến tranh. Cung oán ngâm khúc góp thêm lời tố
cáo cuộc sống chán chường mệt mỏi, bất bình vì những cay nghiệt: Cảnh
phù du trông thấy mà đau!
Nguyễn Gia Thiều là con của quận chúa Quỳnh Liên. Ông gọi chúa Trịnh
Cương là ông ngoại. Cha ông là một võ quan, được phong tước Đạt vũ hầu.
Ông được lui tới trong phủ chúa, do đó được nhìn thấy tận mắt cảnh ngộ
của những cung nữ bị bỏ rơi. Ông đã dùng lối văn độc thoại, làm lời một
cung phi tài sắc trình bày tâm trạng và nỗi đau đớn bị vua ruồng bỏ. Người
phụ nữ trong khúc ngâm đã lên tiếng. Nàng ý thức rõ rệt về phẩm chất, tài
năng của mình, nàng tố cáo cuộc sống phè phỡn xa hoa của bọn vua chúa,
biến người cung nữ thành thứ đồ chơi. Nàng miêu tả nỗi thê thảm trong
cuộc sống cô đơn, tù túng. Từ sự phản ánh hiện thực với lòng phẫn nộ và
sự oán hờn như vậy, nàng triết lý về cuộc đời ảo mộng, dối trá, phù du và
tuyệt vọng:
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.