ở đây, Nguyễn Gia Thiều đã mượn lời cung nữ để nói lên tâm sự bế tắc của
mình, cũng là sự bế tắc của lớp nhà nho thời đại ông, chán chường và mệt
mỏi.
Nghệ thuật Cung oán ngâm khúc về mặt cấu trúc cũng như về mặt ngôn từ
đều sắc sảo. Không gian Cung oán ngâm khúc là không gian bưng bít của
chốn tiêu phòng lạnh lẽo. Thời gian Cung oán ngâm khúc chủ yếu là mùa
thu và bóng đêm. Cảnh trong Cung oán ngâm khúc là cảnh lồng qua màn
sương hồi ức và tưởng tượng. Đặc biệt, lối biểu hiện bằng cảm giác là cách
viết độc đáo của Nguyễn Gia Thiều có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện trong văn
học Việt Nam, rất tập trung và cô đọng. Những hình dung từ về xúc giác,
thị giác, thích giác chọn lọc tài tình, bất ngờ mà đúng chỗ, đã gây được ấn
tượng mạnh mẽ cho người đọc. Vần điệu song thất lục bát nhuần nhuyễn,
phép đối ngẫu được tôn trọng chặt chẽ. Hơi văn, giọng văn réo rắt não
nùng, thích hợp với nội dung và tâm trạng con người trong khúc ngâm.
Nguyễn Gia Thiều là một tài năng đa dạng. Ông thuộc gia đình quý tộc,
xuất thân là quan võ. Năm 1782, ông giữ chức Tổng binh ở Hưng Hóa,
phong tước Ôn Như hầu, nhưng ông lại xin thôi, về sống cuộc đời tài tử,
làm thơ, uống rượu và cả đi tu (ông có hiệu là Như ý Thiền). Ông là một thi
nhân mà cũng là một nhạc sĩ. Ông đã sáng tác các bản nhạc Sơn trung âm,
Sở từ điệu. Ông vẽ đẹp, có bức tranh Tổng sơn đồ được vua Lê khen
thưởng. Ông cũng am tường cả về kiến trúc, Tháp chùa Thiên Tích (Bắc
Ninh) đã được xây dựng dưới sự điều khiển của ông. Quãng cuối đời, ông
có được triều Tây Sơn mời ra cộng tác, nhưng đã chối từ, về sống ở quê
nhà: làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh
Bắc Ninh) cho đến khi mất.
Giáo sư văn học vũ ngọc khánh