quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn
còn giữ được có thể kể ra như sau:
- Quần thư khảo biện, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch
sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi.
- Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi. Đây là một loại
"bách khoa thư", trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn
học... sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ,
ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội... Vân đài loại ngữ là bộ sách đạt
tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một
bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến.
- Đại Việt thông sử, còn gọi Lê triều thông sử, là bộ sử được viết theo thể
ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu
từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của
triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không
có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Minh.
- Kiến văn tiểu lục, là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời
Trần đến đời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương
triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập
quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ
văn, sách vở...
- Phủ biên tạp lục, được viết trong thời gian Lê Quý Đôn làm Hiệp trấn
Thuận Hóa. Nội dung ghi chép về tình hình xã hội. Đàng Trong từ thế kỷ
thứ 18 trở về trước.
Công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn là bộ Toàn Việt thi lục 6
quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương
Dực (1509 - 1516). Lê Quý Đôn hoàn thành Toàn Việt thi lục năm 1768,
dâng lên vua, được thưởng 20 lạng bạc.
Về sáng tác văn xuôi, theo Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn có Quế Đường văn
tập 4 quyển, nhưng sách này đã mất. Về sáng tác thơ, Lê Quý Đôn để lại có
Quế Đường thi tập khoảng vài trăm bài làm ở trong nước và trong thời gian
đi sứ Trung Quốc.
Nhận xét tổng quát về thơ Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú viết: "Ông là người