Chiến tranh phong kiến đã gây đau thương chết chóc cho biết bao nhiêu gia
đình làng xóm, nó không đem lại gì cho nhân dân, cho đất nước; đã làm
cho Lê Hữu Trác chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên ông đã nhiều lần từ
chối sự đề bạt của tướng nhà Trịnh. Ông nhận ra theo Lê hay Trịnh cũng là
chí theo đuổi chiến tranh "cốt nhục tương tàn"; cái chí mạnh "xung Ngưu
Đẩu" của ông cũng hóa "ngông cuồng" mà thôi. (Đọc bài thơ trong lời tựa
bộ "Tâm lĩnh"). Cho nên năm 1746 khi người anh ở Hương Sơn mất, ông
liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, để xin ra khỏi quân đội,
thực sự "bẻ tên cởi giáp" theo đuổi chí hướng mới.
Lê Hữu Trác bị bệnh từ lúc ở trong quân đội, giải ngũ về phải gánh vác
công việc vất vả "trăm việc đổ dồn vào mình, sức ngày một yếu" (Lời tựa
"Tâm lĩnh"), lại sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi, sau mắc cảm
nặng, chạy chữa tới hai năm mà không khỏi. Sau nhờ lương y Trần Độc,
người Nghệ An là bậc lão nho, học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, trở
về học thuốc, nhiệt tình chữa khỏi.
Trong hơn một năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông đọc sách thuốc
"Phùng thị cẩm nang" hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc
thấy lạ, muốn đem hết cái hiểu thấu về y học truyền cho ông. Vốn là người
thông minh học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở
sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp
người đời, nên ông quyết chí học thuốc.
ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu Lãn ông (ông lười) ý nói
lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của
danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà
mình yêu thích gắn bó.
Giữa cảnh thiên nhiên tĩnh mịch của núi rừng Hương Sơn, sớm khuya mê
mải đọc các sách thuốc: Y học nhập môn, Cảnh nhạc toàn thư, Nam dược
thần hiệu (của Tuệ Tĩnh), Bảo sinh diệu toản yếu... thật là:
Sá chi vinh nhục việc đời,
Đem thân đạo nghĩa vào nơi lâm tuyền.
(Bất can vinh nhục sự
Bảo đao nhập cùng lâm.