Quay thuyền khó lúc lênh đênh giữa dòng.
Mây qua đường để bớt nồng
Núi non mở mặt như lòng vì ai
Xanh xanh một dải non đoài
Giống non ta cũ chỉ vài hòn thôi.
(Thượng kinh ký sự).
Ngày 2 tháng 11 (năm 1782) Lãn ông về đến Hương Sơn.
Gần một năm sống giữa kinh đô phong kiến biết bao công danh phú quý lôi
kéo, nhưng ông "thung dung" ra đi lại "ngất ngưởng" trở về, lòng trong
không hề đục, chí lớn không hề sờn.
Năm 1783 ông viết xong tập "Thượng kinh ký sự" ghi lại tỉ mỉ chuyến đi
kinh, tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá. Mặc dầu tuổi già,
công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý,
bổ sung, viết thêm (tập Vân khi bí điển, năm 1786) để hoàn chỉnh bộ "Tâm
lĩnh". Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến
to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng
lớn của thời đại.
---------------------------------------
(*) Hải Thượng Lãn ông: Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương
và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. Lãn ông
nghĩa là "ông lười", ngụ ý lười biếng với danh lợi.