trưa một khúc nhạc buồn, un jour sans toi" mà bồ thường hát đó không?
Hát đi, hát đi.
Tôi ngồi xếp bằng trên đi-văng nghĩ ngợi đủ thứ chuyện. Thằng em loay
hoay bên bếp lửa. Nó vốn không phải là một đứa "yêu lao động" hay dễ
dàng thích hợp với cuộc sống mới, nhưng đêm nay nó chẳng chịu đi ngủ
sớm mà cặm cụi nấu nồi khoai chỉ vì nó "cá" với tôi là nó có thể nấu chín
một nồi khoai mà chỉ cần bỏ vào một cây đinh và không cần phải đổ một
giọt nước. Thế là tôi ngồi xếp bằng y như Phật Thích Ca, mặt hướng về
phía ánh lửa chứng kiến cuộc thí nghiệm "vĩ đại" của nó.
Và chứng kiến – lần đầu tiên – sự say mê hồn nhiên của một đứa trẻ
mười ba bên bếp lửa hồng.
Tôi vẫn lại thường nghe ba tôi nói về những con tằm. Giống tằm lưỡng
hệ chỉ thích hợp ở cái khí hậu trung bình từ 15 đến 20 độ bách phân của cao
nguyên Lâm Đồng này. Tôi không thể ngờ được một con tằm bé nhỏ dường
ấy lại có thể nhả ra 1.300 mét tơ.
Theo ba đến nhà tằm, nhìn thấy những con tằm xám xịt, xấu xí đùn lên
như lũ sâu bọ bẩn thỉu trong một cái nong, tôi không tài nào tưởng tượng ra
nổi mối liên hệ giữa chúng với nàng Tây Thi giặt lụa, với câu hát rất trữ
tình "con tằm đến thác vẫn còn vương tơ "… Tôi chỉ thấy chúng lúc nhúc,
câm lặng một cách ngu ngốc ngay cả khi người nuôi tằm dùng tay rẽ chúng
ra làm hai rồi cuộn tròn chúng lại để trải ra một cái nong khác lớn hơn để
"thay phân" và cho chúng ăn. Chúng cam phận bị dồn lại như một mớ giẻ
rách tầm thường.
Thế mà ba tôi bảo: "Con có khi nào nghe người ta nói tằm ăn rỗi
không?". Tôi đáp không. Ba nói: "Mười ngày nữa phép lạ sẽ diễn ra trong
căn nhà này."
Trong khi chờ đợi phép lạ tôi vẫn cùng các bạn đi cuốc đất ở nông
trường dâu và sáng chủ nhật nào cũng kéo nhau sang ngôi làng kề cận bên
kia thung lũng để đi nhà thờ. Đứng trên sườn đồi này nhìn xuống thung
lũng sẽ thấy rất rõ tháp chuông của ngôi giáo đường nhỏ bé ấy vươn lên