tủ lạnh đem lên đây chẳng dùng được việc gì vì không có điện. Ti-vi thì
chạy được bằng ắc-qui nhưng xa Sài gòn quá, mở đài lúc được lúc mất, có
khi màn ảnh lỗ rỗ như sa mạc, chẳng ra cái gì. Thế nhưng cụ vẫn không dấu
được sự thích thú của mình đối với khí hậu vùng này. Ba tôi thì có vẻ bất
an. Ông thường mặc chiếc áo pilote của Mỹ màu xám tro mới tinh, hai tay
lúc nào cũng thọc vào túi, đi từ đầu đường đến cuối đường, ghé nhà này
đến nhà kia, ghé qua Ban quản trị nói chuyện chán rồi về, giày ba ta đi sẵn
trong chân từ sáu giờ sáng đến mười giờ đêm. Trông ba khỏe mạnh, cao
lớn, sung sức, và có phần hùng hổ. Ông vẫn chưa dứt khoát là có nên chí
thú ở lại đây làm ăn sinh sống hay bỏ về Sài Gòn. Dẫu sao thì cái hôm chất
đồ đạc lên xe tải cũng chỉ có chị em tôi khóc. Ba mẹ tôi thế mà ngon lành.
Hai người ăn mặc tươm tất ngồi chững chạc ở phòng khách uống trà nhìn
trừng trừng những người phu khuân vác lẫn mấy ông cán bộ. Cái nhìn vừa
khinh bạc vừa châm biếm cay độc, cái nhìn như muốn xác nhận lần cuối
quyền sở hữu căn nhà lộng lẫy đó và cả cái cửa hàng nông cụ máy móc phụ
tùng xe hơi của ba. Lúc ấy nhìn ba, tôi thấy thương quá, bởi tôi – và có lẽ
chỉ có tôi – mới nhìn thấy rõ hết những gì ẩn náu phía sau đôi mắt kia,
những gì êm dịu và ảm đạm ấy. Cho nên chính cái nhìn của ba đã làm tôi
khóc.
Lên đây, mỗi chiều tôi vẫn thường thấy ba đứng một mình trong vườn
dâu, tôi không tưởng tượng nổi ba đã nhìn thấy cái gì trong mảng xanh bất
tận ấy. Riêng tôi thì những tiếng xôn xao của gió trong ruộng dâu, những
khoảng tối lạnh lẽo bên dưới những thân cây khẳng khiu nhỏ bé kia vẫn
thường đem lại nổi nhớ da diết từng con đường đầy bóng mát, từng góc phố
đầy ánh đèn của Sài Gòn. Và nhờ Thúy Liễu. Đêm trước hôm chúng tôi rời
Sài Gòn nó đến thăm tôi. Tôi chưa khóc mà nó đã khóc. Vân ơi, thôi đừng
buồn nghe Vân. Mình sẽ viết thư cho Vân rất đều. Ráng giữ sức khỏe nghe
Vân. Rồi nó kéo tôi, kéo luôn cả mấy đứa em ra quán đãi ăn phở, xong ăn
chè. Ăn chè xong còn đòi bao đi coi xi-nê, tôi nói thôi, để ngủ cho khỏe
mai còn đi sớm. Cám ơn Thúy Liễu, bồ có nhớ bài ca gì đó mà: "Ba giờ