giữa rừng hoa xoài nở rộ, thành một mảng xanh non rõ rệt giữa các đồi trà
trùng điệp.
Vùng đất của nông trường tôi chưa có gì đáng kể nhưng những luống
dâu mới trồng tuần trước đã nhô cao lên, xanh một màu xanh kỳ lạ thành
những đường viền quanh những luống đất nâu đen mịn màn như bột càfê
rải thật dày, thật mịn, thật đều, chạy cong cong trên đỉnh dốc. Ba tôi vừa
đến và đứng sững trên chỗ cao đó, hai tay vẫn bỏ vô túi áo pilote màu xám
tro.
Ông vẫy tay gọi. Tôi ném cái cuốc xuống rãnh và đứng thẳng người nheo
mắt nhìn lên chỗ nắng chói. Tôi tháo găng tay ra cho thoáng và hỏi:
- Chi đó ba?
Ba tôi bảo:
- Chụp nha!
Rồi ông ném cho tôi trái cam. Tôi đón lấy thành thạo như một tay chơi
bóng rổ nhà nghề. Ba tôi có thói quen đem một cái gì đó cho tôi vào giữa
buổi làm. Thuở nhỏ đi đâu ông cũng hay đem tôi theo, nhứt là khi đi ăn
phở, ăn chè gì đó với vài người bạn. Bổn phận của tôi là canh chừng cho ba
cái hộp quẹt vì ông rất hay bỏ quên trên bàn ăn. Chúng tôi trở thành hai
người tri kỷ.
Lên đây, ba dường như ít chú ý đến tôi hơn, nhưng tôi thì vẫn chú ý đến
ba rất nhiều. Tuy là một nhà kinh doanh nhưng ông vẫn là một người có
tâm hồn lãng mạn. Những tháng sau này, ông đọc rất nhiều sách về trồng
trọt, chăn nuôi và nhất là về dâu tằm. Hàng ngày tôi vẫn phải đi đào rãnh
trồng dâu cho nhà nước bằng cuốc, xẻng và chĩa ba, nhưng ba tôi thì chê.
Ông nói oang oang trong mỗi bữa cơm:
- Làm ăn cò con như thế không được. Tôi chưa muốn làm nhưng nếu tôi
làm thì tôi làm khác. Quy hoạch của Bộ là 30.000 ha ruộng dâu cho Lâm
Đồng, thế mà ở đây ta chỉ mới làm được ba mươi mẫu, lại đưa các cô tiểu
thư cỡ con Vân nhà mình ra cuốc thì bao giờ mời xong.
Tôi cãi:
- Ba đừng khinh con. Mỗi ngày con đào được bốn chục mét đó.