- Bốn chục mét thì nói làm gì. Phải bốn ngàn mét con ạ. Dâu phải xanh
rợp cả bốn chục ngàn mẫu mới đủ cung cấp thức ăn cho những nhà nuôi
tằm lớn, mới sản xuất được hàng ngàn tấn tơ, rồi phải có nhà máy dệt ngay
tại đây. Phải làm ăn như thế mới khá được.
Tôi nói:
- Con cũng nghe mấy chú ở Ban quản trị nói như thế.
- Đừng nên hẹn – ba tôi tiếp – những máy đào rãnh như ba nói thì trong
tay ba đã có rồi, họ phải tạo điều kiện cho ba dùng chớ. Thanh niên tụi con
sẽ chuyển qua công tác khác, thiếu gì: hái dâu, bón phân, làm cỏ… nhưng
cái khó vẫn là nước. Đấy, con sông Đa-Giăng ở phía sau lưng chúng ta đấy.
Hồi năm 1945 tụi Nhựt Bổn qua đây chúng tính đắp đập nhưng thua trận
phải bỏ về. Mình phải thực hiện dự tính ấy, nếu không thì chỉ trồng được có
mùa mưa.
- Thế sao ba không trình bày dự án của ba cho Ban quản trị?
Ba không trả lời mà chỉ mỉm cười bí ẩn.
Phần tôi, từ ngày trồng được đám dâu nhỏ và mấy bụi hoa, tôi gần như
không còn tính toán gì tới chuyện đi hay ở. Tôi nhìn ngắm đất bằng đôi mắt
hồn nhiên và lãng mạn. Tôi thấy đất cũng như người bạn lớn và những củ
khoai, những bụi đậu phọng, những khóm hoa kia là những người bạn nhỏ
như con chó, con chim, con mèo.
Cũng giống hệt những cô gái mười lăm lần đầu tiên khám phá ra tình yêu
nơi người con trai mới lớn, tôi khám phá ra sự thân mật, lời thủ thỉ nơi
những gốc cây, những nụ hoa, những hạt mầm và mặt đất.
Tôi khám phá ra con tằm ăn rỗi để hình thành những tuyến tơ vàng rực
ửng đỏ lên dưới cái lớp da vừa thay trong suốt như giấy kiếng, bò lên
khung gỗ để làm những cái tổ xinh xắn như những đóa hoa.
Và tôi khám phá ra rằng người ta có thể nấu chín nồi khoai chỉ bằng một
cây đinh.
°