- Công nhận! Vậy là anh không chịu phát biểu nhận xét gì về cô Carlotta
Adams?
- Cô ấy là một nghệ sĩ. Còn có thể nói gì hơn được nữa?
- Anh có cho rằng cô ta cũng dễ gặp phải nguy hiểm giống như Huân tước
phu nhân Edgware xinh đẹp kia không?
- Cạm bẫy luôn rình mò trên đường đi của mỗi chúng ta. Tuy nhiên theo
tôi, Carlotta Adams có nhiều khả năng thoát hiểm. Vì hai lẽ: một là cô ta
khôn khéo. Hai là, anh có nhận thấy không? Cô ta gốc Do Thái.
Về điểm này, quả bây giờ tôi mới nhận ra. Khuôn mặt Carlotta Adams đúng
là có nhiều nét của người Do Thái.
Hercule Poirot nói tiếp:
- Tôi cảm thấy cô ta có nhiều triển vọng thành đạt. Tuy nhiên cô ta cần
cảnh giác, có một vật cản có thể làm cô ta vấp ngã đấy.
- Vật cản? Cụ thể là gì?
- Tật quá coi trọng đồng tiền.
- Chúng ta ai chẳng coi trọng đồng tiền?
- Đúng vậy, nhưng chúng ta biết cân nhắc thận trọng trước khi quyết định
một hành động, chứ không phải cứ thấy tiền là tối mắt, không còn suy nghĩ
gì được nữa.
Thấy tôi cười, Poirot nói tiếp:
- Khoa tội phạm học bao gồm cả tâm lý học. Người thám tử không chỉ quan
tâm đến hành vi của kẻ tội phạm mà còn tìm động cơ thúc đẩy y đến chỗ
gây án. Anh vẫn nghe tôi nói đấy chứ, Hastings?
- Tôi vẫn nghe và nghe rất chăm chú.
Poirot nói tiếp:
- Khi anh với tôi cùng tiến hành điều tra một vụ án, anh chỉ quan tâm đến
mặt vật thể của nó! Anh giục tôi lấy dấu vân tay, phân tích tàn thuốc lá và
bảo tôi nằm bò ra mặt đất để nghiên cứu các dấu chân. Anh không hiểu