SƠNNAM
ĐẤT
GIA ĐỊNH
XƯA
đi tiên phong nào đó đến khai khẩn rồi chết vì bệnh tật,
thú dữ hoặc sự bóc lột cưỡng bức của con người.
Lễ ấy gọi là cúng đất.
Vài chùa Phật, lập từ lâu đời, còn cúng đất theo kiểu
thế tục: cúng món mặn, thường là cá lóc nướng, mắm,
đầu heo. Sau khi cúng, người tu hành cũng tạm thời ngả
mặn, ăn món cúng để thông cảm với người chết.
Lễ cúng chùa Ngung Ma nương, do người từ miền
Trung mang vào, nội dung là cúng đất, xin “mướn đất”
với người khuất mặt. Trong rừng bụi, giữa gò hoang,
gần bờ sông, thỉnh thoảng gặp nhiều bộ xương người
chôn cất sơ sài, gợi cho người đến sau tưởng nhớ đến
công lao của người đi trước.
*
* *
Trong Nam, vấn đề gia phả không được chú ý như
ở Trung, Bắc.
Có người giải thích rằng ghi chép sẽ dẫn tới dòng
họ không ai nối dõi, không sớm thì muộn, việc làm ấy
cũng gây xui xẻo. Có lẽ đây chỉ là một cách giải thích.
Trong tình hình dân lưu tán, mấy ai nhớ rõ được tên họ,
nguồn gốc ông bà ngày xưa. Đi làm ăn từ nơi này sang
nơi khác, mồ mả dễ xiêu lạc. Cũng có người mang tội
với triều đình hoặc dính líu ít nhiều vào một bên trong
những cuộc tranh chấp liên miên, nên nhiều lúc phải giấu
dòng họ của mình, sợ bị trừng phạt hoặc bị phân biệt đối
xử, vì vậy con cháu về sau không biết đâu mà tìm nữa.