111
Phải chăng vì tình trạng xa xứ, lưu tán như vậy mà
nhiều người sợ con cháu quên tổ tiên, thân tộc. Trong
những gia đình khá giả, hằng năm bày việc “nhóm họ”
để bà con xa gần tụ họp, ăn uống, giới thiệu cho biết
mặt nhau.
Cũng theo tục cúng “vật lề” (nói trại tiếng “việc
lề”) như sau: trước khi phân tán đi làm ăn hoặc trốn
tránh, những người trong gia đình giao hẹn trước với
nhau đến ngày ấy, tháng ấy hằng năm thì cúng một
món đặc biệt thí dụ như tôm luộc, cá lóc nướng, hoặc
cá lóc nấu cháo ám. Con cháu đến nơi lạ, hễ thấy ai
cúng đúng món ấy, đúng ngày tháng ấy, ắt nhận ra
dòng dõi mình.
Những giao hẹn như vậy càng cần thiết trong trường
hợp vì tránh nạn mà phải thay tên đổi họ lập tức.
*
* *
Nói chung về thói ăn nết ở thì thường giữ như ở quê
hương bản quán, dần dà thay đổi cho phù hợp với điều
kiện sinh hoạt mới.
Về nhà ở, do đến nơi nhiều sông rạch, việc đi lại
chủ yếu bằng đường sông nên nhà cất thường day mặt
ra mé nước. Kiểu nhà mô phỏng theo nhà khá giả ở
Quảng Nam, Quảng Ngãi thời xưa, lý tưởng nhất là
nhà ba căn, hai chái, mái lợp ngói, vách ván, kiểu nhà
thấp. Quanh nhà lập vườn cây ăn trái, cau, dừa. Khỏi
vườn mới tới ruộng.